Thứ Sáu, 29/03/2024 04:00:50 GMT+7

Tin đăng lúc 15-07-2019

Lượt xem: 1596

Gian lận xuất xứ hàng hóa: Bài toán khó thời hội nhập quốc tế

Trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng lớn hơn. Làm thế nào để giải được bài toán khó này vẫn luôn là câu hỏi chẳng mấy dễ trả lời.
Gian lận xuất xứ hàng hóa: Bài toán khó thời hội nhập quốc tế
Lực lượng hải quan đang tiến hành kiểm tra xuất xứ hàng hóa

Mới đây, ngày 04/7, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Đây là một trong những động thái rõ ràng nhất cho thấy việc Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập kinh tế quốc tế sắp tới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA).

 

Có một thực tế là để hưởng ưu đãi thuế quan, ưu đãi hạn ngạch với sản phẩm xuất khẩu, rất nhiều hàng hóa được doanh nghiệp dán nhãn “Made in Vietnam” dù tỷ lệ nguyên liệu xuất xứ Việt Nam chỉ chiếm không đầy 50%. Theo quy định của pháp luật, sản phẩm có xuất xứ không thuần túy là sản phẩm có tỷ lệ phần trăm giá trị nguyên liệu không có xuất xứ từ Việt Nam chiếm từ 30% trở lên tổng giá trị của hàng hóa được sản xuất ra. Nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện các hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại bằng cách gian lận xuất xứ hàng hóa.

 

Ở những thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng có diễn biến phức tạp, liên tục thách thức nỗ lực của cơ quan chức năng. Có một số doanh nghiệp thậm chí còn làm giả, sử dụng giấy tờ chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả nhưng cũng chỉ bị phạt tối đa 50 triệu đồng. Rõ ràng, chế tài xử phạt các hành vi này vẫn chưa đủ sức răn đe để thực sự phát huy hiệu quả.

 

 

Gian lận xuất xứ hàng hóa vẫn đang là vấn đề khiến cơ quan chức năng phải đau đầu

 

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian qua, lực lượng này đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa, dán nhãn “Made in Vietnam” để trục lợi. Mới đây, trong Hội nghị Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết: Trong 6 tháng năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra 12.967 vụ gian lận thương mại và hàng giả; xử lý hành chính 11.199 vụ. Trong đó, hàng cấm nhập lậu là 1.723 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại 680 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu là gần 3 nghìn tỷ đồng. Phương thức các đối tượng thực hiện rất tinh vi, thường là đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc hoặc nhập linh kiện về rồi tiến hành dán nhãn “Made in Vietnam” trước khi bán ra thị trường.

 

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại và phòng vệ thương mại, đặc biệt khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung vẫn diễn ra căng thẳng, vấn đề ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa đang ngày càng cấp thiết hơn. Nếu vấn đề không được giải quyết kịp thời thì người chịu thiệt chính là các doanh nghiệp Việt Nam khi không am hiểu luật chơi của sân chơi quốc tế.

 

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.Hà Nội cho biết, thực tế, có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ít am hiểu về các Hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP, đặc biệt là các quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Điều đó vô hình trung khiến doanh nghiệp Việt đánh mất lợi thế và có thể “thua ngay trên chính sân nhà” của mình.

 

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ và cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời cho doanh nghiệp.

 

Lê Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang