Thứ Sáu, 29/03/2024 19:46:26 GMT+7

Tin đăng lúc 07-10-2017

Lượt xem: 3960

Giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng trong thời kỳ hội nhập

Nhằm chia sẻ những thông tin về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng trong thời kỳ hội nhập, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương và kinh nghiệm của các doanh nghiệp phát triển mở rộng thị trường, sáng 6/10/2017, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập”.
Giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng trong thời kỳ hội nhập
Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ: “Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng càng sâu rộng, cùng với sự lớn mạnh của các Tập đoàn kinh tế lớn xuyên quốc gia…, việc quản trị chuỗi cung ứng được coi là một công cụ cạnh tranh hiệu quả hàng đầu của các doanh nghiệp. Nó có tác động quan trọng đến việc chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin với khách hàng, gia tăng lợi nhuận và gia tăng kết nối với các đối tác trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã và đang quan tâm đến chuỗi và quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu và từng bước gia nhập vào các chuỗi này”.

 

Xác định rõ được tầm quan trọng của “Chuỗi cung ứng”, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ xây dựng một số Đề án, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa, như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020”; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 và một số chương trình liên kết vùng miền, bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố.

 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Trong thời đại ngày nay, Chuỗi cung ứng đóng một vai trò quan trọng trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Theo xu hướng toàn cầu hóa, các doanh nghiệp trên thế giới có xu hướng tích cực tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng để có cơ hội gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững”.

 

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa nền kinh tế, nhiều chuỗi cung ứng nội địa cũng như toàn cầu đã được thành lập và ngày càng phát triển. Qua đó, đã cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tới người tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam đã có chuỗi cung ứng 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Điện thoại các loại và linh kiện; Hàng dệt may; Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; Giày dép các loại; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; Gỗ và sản phẩm gỗ; Túi xách, ví, vali, mũ và ô dù; Cà phê; Dầu thô…

 

Điều này có được là bởi trong thời gian qua và đặc biệt từ năm 2013 đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 1.025 đề án với tổng kinh phí 511,5 tỷ đồng. Trong đó, nội dung xúc tiến thương mại thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo có 733 đề án, chiếm 71% tổng số đề án phê duyệt với kinh phí được phê duyệt là 154,887 tỷ đồng, chiếm 30% tổng kinh phí được phê duyệt. Qua đó, đã đóng góp tích cực giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phu, giá cả hợp lý, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương, ngành hàng ngay tại thị trường trong nước.

 

 

Đại diện một số doanh nghiệp lớn trong nước bàn luận tại Hội thảo.

 

Cũng tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp lớn trong nước đã cùng nhau thảo luận về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập; thông tin về kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương; kinh nghiệm của các doanh nghiệp phân phối về hoạt động tham gia chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các điều khoản cơ bản, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã được cung cấp tới đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

 

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản Việt Nam đã bày tỏ: “Thời gian qua, câu chuyện tiêu thụ nông sản được các doanh nghiệp trong nước rất quan tâm. Tuy nhiên, các giải pháp liên kết giữa “bốn nhà” trong tiêu thụ sản phẩm còn rất lỏng lẻo. Đặc biệt, sự hỗ trợ về vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp còn rất khó khăn. Để đưa hàng hóa ra thị trường và có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài đòi hỏi sản phẩm trong nước phải có chất lượng, hợp thị hiếu với người tiêu dùng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và người nông dân đều thiếu phương pháp dự báo, thiếu vốn và công nghệ...”.

 

Do vậy, để giải quyết những điểm yếu này thì rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Đặc biệt, ông Phạm Anh Tuấn cũng đề xuất Bộ Công Thương cần có những chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các khâu trong sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi cung ứng. Đồng thời, Bộ Công Thương làm đầu mối lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp và xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường.

 

Đến với Hội thảo, bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành – phụ trách quan hệ công chúng thuộc Tập đoàn Central (Big C) chia sẻ: “Với mục tiêu trở thành điểm đến cho các sản phẩm Việt, mới đây, Big C Việt Nam đã phát động chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” và cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp muốn cung cấp sản phẩm Việt cho Big C thông qua việc cung cấp các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn hiện hành. Từ đó, giúp các doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm Việt thâm nhập vào kênh bán lẻ hiện đại của Big C...”.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Kết luận Hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập lần này được đánh giá là thiết thực và thành công. Qua đó, góp phần định hình rõ nét hơn hiện trạng và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam có trên 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn về vốn, về công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thiếu sự liên kết. Đây là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới...”.

 

Mọi ý kiến đóng góp của các diễn giả và người tham gia Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tiếp tục tổng hợp và chuyển đến các bên liên quan, người có trách nhiệm. Đây cũng là cơ sở góp phần, để cơ quan chức năng tham mưu, xây dựng chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng ở các cấp độ và quy mô phù hợp.

 

Anh Tuấn – Như Quỳnh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang