Thứ Tư, 24/04/2024 01:44:22 GMT+7

Tin đăng lúc 29-03-2022

Lượt xem: 2001

Giải pháp nào cho ngành Công nghiệp hỗ trợ Ô tô Việt Nam phát triển?

Theo giới chuyên môn, hiện nay, ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô Việt Nam còn yếu cả về số lượng, năng lực, số lượng chủng loại và chất lượng sản phẩm, cũng như khả năng cung cấp… Các linh kiện lắp ráp ô tô chủ yếu tại Việt Nam vẫn dựa vào nhập khẩu. Vậy đâu là nguyên nhân cơ bản và giải pháp nào để cho ngành CNHT Ô tô phát triển?
Giải pháp nào cho ngành Công nghiệp hỗ trợ Ô tô Việt Nam phát triển?
Đến nay, có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu

Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Lê Dương Quang, hơn 30 năm qua, hàng loạt cơ chế, chính sách cho ngành Công nghiệp ô tô nói chung và CNHT ô tô nói riêng đã được ban hành, song do thiếu tính khả thi nên hiệu quả triển khai trên thực tế rất thấp.

 

Đến nay, có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu, 20% còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn như ghế, săm, lốp, ắc quy, bộ dây điện, nhựa cỡ lớn... Điều này đã khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10- 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Vậy nguyên nhân cơ bản nào khiến chưa cải thiện tốt thực trạng này.

 

Nguyên nhân, tồn tại

 

Mới đây, VASI đã chỉ ra hai nhóm nguyên nhân cơ bản. Một là, nhóm nguyên nhân khách quan dẫn tới CNHT ô tô chưa phát triển có thể thấy rõ như:

 

Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ do ngành Công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa đủ các điều kiện về thị trường cũng như các yếu tố khác để phát triển như các quốc gia trong khu vực, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm CNHT, trong khi đó thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN.

 

Hơn nữa, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp (DN) đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành CNHT. Trong khi đó, tập quán kinh doanh của các DN toàn cầu thường sử dụng các DN đã từng cung ứng sản phẩm CNHT trong chuỗi sản xuất của họ, hoặc các DN cùng quốc tịch, ít tạo điều kiện cho DN Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

 

Bên cạnh đó, yêu cầu của các DN lắp ráp, đặc biệt là các DN định hướng xuất khẩu và DN nước ngoài vượt quá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp CNHT cho ngành Ô tô trong nước; yêu cầu của khách hàng càng ngày càng khắt khe, không chỉ về giá cả, công nghệ, chất lượng, giao hàng mà còn cả yêu cầu về trách nhiệm xã hội liên quan đến an toàn, môi trường, điều kiện lao động…

 

Đặc biệt, CNHT ô tô Việt Nam còn thiếu sự chủ động về các vật liệu cơ bản. Các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT của ngành Ô tô như thép chế tạo, nhựa, cao su và chất dẻo… chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm…

 

Hai là, nhóm nguyên nhân chủ quan từ phía quản lý, chính sách Nhà nước và phía DN. Về phía quản lý Nhà nước, hiện việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô còn chưa thực sự chú trọng tính khả thi khi xác định các mục tiêu cụ thể. Hơn nữa, hệ thống chính sách phát triển CNHT cho ngành Công nghiệp ô tô còn có những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu tính ổn định. Thêm vào đó, công tác tổ chức, quản lý, điều hành việc triển khai thực hiện Quy hoạch và chính sách phát triển CNHT cho ngành Công nghiệp ô tô vẫn còn những hạn chế nhất định.

 

 

Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô

 

Về phía DN, nhiều mặt bất cập vẫn còn tồn tại như: Năng lực sản xuất của các DN trong nước còn thấp. Các doanh nghiệp CNHT ngành Ô tô của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, vốn là các công ty cơ khí, sản xuất chất dẻo, nhựa…, trình độ công nghệ còn kém, không có kinh nghiệm trong ngành Ô tô; năng lực về vốn, trình độ công nghệ hạn chế nên dẫn đến tình trạng đầu tư thường manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm chủ yếu là các linh kiện giản đơn, có giá trị thấp. Cùng với đó, nhiều DN CNHT cho ngành Công nghiệp Ô tô Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu nên giá thành sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp nên các DN lắp ráp ô tô thường tìm kiếm nguồn cung linh kiện phụ tùng từ nước ngoài, nhất là những DN 100% vốn nước ngoài hoặc những DN FDI hướng vào xuất khẩu có khuynh hướng dùng linh kiện và nguyên vật liệu nhập khẩu, hoặc do các công ty FDI khác sản xuất. Ngoài ra, các DN CNHT cho ngành Công nghiệp Ô tô thường trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu; Sự liên kết giữa các DN CNHT và lắp ráp ô tô, giữa các DN trong nước với các DN FDI, giữa các DN trong nước với nhau còn rất hạn chế…

 

Những giải pháp mang lại kết quả khả quan

 

Trước thực trạng và nguyên nhân nêu trên, hiện Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý hữu quan cùng ngành CNHT Ô tô đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, một số giải pháp khả quan đáng chú ý như:

 

Để khuyến khích các DN đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành CNHT ô tô trong nước, góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, tiến tới mục tiêu xuất khẩu, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô.

 

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN. Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 57, cơ quan soạn thảo sẽ trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế sau năm 2022. Đồng thời, đề xuất giữ nguyên điều kiện về sản lượng đối với các DN tham gia Chương trình ưu đãi thuế.

 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc triển khai Chương trình ưu đãi thuế đã hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu, đồng thời, góp phần thúc đẩy ngành CNHT trong nước phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam giai đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

 

Về phía các DN cho biết, thời gian qua, việc thực hiện Chương trình này đã góp phần thúc đẩy ngành Công nghiệp Ô tô và ngành CNHT phát triển. Sau khi Chương trình được ban hành, một số DN đã tiếp tục sản xuất, lắp ráp một số dòng xe mà trước đó đã dừng sản xuất tại Việt Nam (các liên doanh chỉ nhập khẩu, phân phối từ các nhà máy trong khu vực).

 

Bên cạnh giải pháp về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho CNHT Ô tô phát triển, hiện một số DN đã và đang đầu tư thêm trang thiết bị để tăng công suất và năng lực sản xuất. Đến nay, một số DN đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm các dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam và dự kiến chuyển một số hoạt động từ các nước trong khu vực về Việt Nam nếu như Chương trình ưu đãi thuế được tiếp tục áp dụng sau 2022…

 

Ngoài ra, hiện các cơ quan, đơn vị hữu quan đang tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn của ngành Công nghiệp Ô tô nhằm tạo ra những bước đột phá mới cho CNHT Ô tô trong thời gian tới…

 

Hà Đăng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang