Thứ Sáu, 29/03/2024 05:14:51 GMT+7

Tin đăng lúc 14-04-2015

Lượt xem: 4788

Giá sữa không lùi bước trước giờ “G”

Mặc dù những năm qua có rất nhiều văn bản, nghị định của các cơ quan chức năng nhằm kiềm chế giá sữa, và gần đây nhất là Bộ Tài chính yêu cầu “giá sữa cần giảm giá tương ứng khi loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá thành”, nhưng, đến thời điểm này, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn cao.
Giá sữa không lùi bước trước giờ “G”

Sữa vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá

 

“Lách luật” tăng giá

 

Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2015, quy định cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Theo quy định này, các công ty sản xuất sữa sẽ không được tính chi phí quảng cáo vào giá thành. Tuy nhiên, từ ngày 1/3 đến nay, giá sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi vẫn không giảm.

 

Trước thực trạng này, ngày 26/3, Bộ Tài chính đã ra văn bản đề nghị các địa phương yêu cầu công ty sữa phải thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ; đồng thời, thực hiện kê khai lại giá theo quy định trước ngày 15/4/2015.

 

Diễn biến trên thị trường sữa cho thấy, giá sữa nguyên liệu đang giảm mạnh song giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng. Một số đại lý sữa trên phố Tây Sơn, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hãng Abbott cũng đang chuẩn bị ra mắt một số mẫu sản phẩm mới và theo thông lệ, mỗi khi có sản phẩm mới giá sẽ tăng thêm.

 

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đối với dòng Dutch Lady của Friesland Campina đã đăng ký từ ngày 1/4, ra mắt 9 mẫu sữa mới, gồm: Dutch Baby Gold Mau lớn, Tập đi, Tò mò, Khám phá, Sáng tạo…, trọng lượng 400 - 1.500 gr, có giá bán cao hơn hẳn các sản phẩm Dutch Baby cũ cùng tên nhưng không có dòng chữ “Gold” từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng/hộp.

 

Không tăng giá bán, nhưng gần đây, Công ty Nestle cũng cho thấy động thái không giảm giá sữa sau khi được yêu cầu tách chi phí quảng cáo. Bởi sản phẩm S26 Gold 400gr vừa ra mắt chỉ thay đổi quy cách đóng gói, có giá bán 240 nghìn đồng/hộp, tính ra so với sản phẩm S26 Gold 900gr giá 540 nghìn đồng thì không tăng, không giảm.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, giá sữa ngoại ở nước ta đang tồn tại không ít bất cập: Chi phí dành cho quảng cáo, tiếp thị chiếm khoảng 20% giá thành sữa, có khi lên tới 30%, làm đội giá thành sản phẩm lên.

 

Siết chặt quản lý

 

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2015 mới đây, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá  - cho hay, các sản phẩm mới của các hãng sữa tung ra thị trường đều phải đăng ký, kê khai giá. Cục sẽ kiểm tra, giám sát, nếu thấy bất hợp lý sẽ áp giá trần bán buôn. “Việc xác định tăng hay không thì căn cứ vào ngày 15/4 tới đây các doanh nghiệp kê khai giá mới biết được, còn đối với sản phẩm mới mà tăng giá thì họ cũng phải kê khai giá. Nếu thấy bất thường, chúng tôi sẽ quản lý, giám sát, không để ngoài vòng quản lý ” - bà Nga khẳng định.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm nhất quán của bộ trong điều hành giá là phải đúng pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (người tiêu dùng ở đây là trẻ em dưới 6 tuổi - đối tượng nhạy cảm). Nếu đến tháng 5/2015, giá sữa nguyên liệu vẫn ở mức thấp mà giá sữa bán lẻ trong nước không giảm thì sẽ áp dụng các giải pháp, nhằm siết chặt quản lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá - trong tương lai, khi thị trường sữa thực sự trở lại lành mạnh, giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, giá cả được xác định công khai, minh bạch thì mặt hàng sữa sẽ được điều tiết theo đúng nghĩa của thị trường cạnh tranh lành mạnh. Trước mắt, vẫn thực hiện bình ổn giá theo quy định và khi hết thời gian 1 năm, sẽ có đánh giá tổng kết báo cáo Chính phủ.

 

            Nguồn: Báo Công thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang