Thứ Năm, 25/04/2024 10:37:27 GMT+7

Tin đăng lúc 16-08-2021

Lượt xem: 1338

EVNNPC: Doanh nghiệp tiên phong trên lộ trình chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những yếu tố then chốt quyết định tới sự thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, ngay từ rất sớm, Tổng công ty Điện lực miền Bắc(EVNNPC) đã tập trung xây dựng lộ trình thực hiện và từng bước đặt những dấu ấn vững chắc trên hành trình CĐS.
EVNNPC: Doanh nghiệp tiên phong trên lộ trình chuyển đổi số
CBCNV trong EVNNPC xử lý công việc trên ứng dụng E-Office 3.0

Trước khi xác định giai đoạn 2021 – 2022 là khoảng thời gian trọng tâm thực hiện kế hoạch CĐS, EVNNPC đã không ngừng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, cũng như thực hiện chuyển dịch doanh nghiệp theo hướng thông minh và số hóa mọi mặt hoạt động SXKD. Đặc biệt, quá trình xây dựng hạ tầng số tại Tổng công ty được thực hiện thường xuyên, liên tục và mục tiêu trong năm 2021, EVNNPC sẽ số hóa toàn bộ các quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp. Trong đó, ở giai đoạn I, Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành CĐS tại 04 lĩnh vực, gồm: Tài chính kế toán, Kỹ thuật, Kinh doanh, An toàn.

 

Là lĩnh vực triển khai sớm nhất, đến nay, Tài chính kế toán đã hoàn thành việc chuẩn hóa các hồ sơ văn bản nằm trong các quy trình và vận hành thử nghiệm 05 quy trình tại các đơn vị là: Cấp phát, giải ngân, mua sắm, hợp đồng, thanh xử lý vật tư thiết bị… Bên cạnh đó, EVNNPC cũng đã hoàn thiện ứng dụng NPCPortal và đang trong quá trình vận hành thử nghiệm để thiết lập môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ, kết nối. Tổng công ty đặt mục tiêu sẽ có 80% quy trình nghiệp vụ hiện tại được số hóa và liên thông. Riêng lĩnh vực văn phòng có 90% quy trình nghiệp vụ sẽ không sử dụng giấy tờ. Mặt khác, EVNNPC cũng đã xây dựng mô hình văn phòng điện tử, cũng như triển khai đến tất cả CBCNV và được đánh giá cao về tính năng, hiệu quả. Theo đó, toàn bộ các quy trình soạn thảo, phê duyệt, ban hành, tiếp nhận, xử lý, lưu trữ đều được thực hiện trên môi trường số. Từ đó, làm giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn trong nội bộ Tổng công ty, đồng thời, xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý. Tiến tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện các tính năng, ứng dụng công nghệ mới để khai thác, phân tích thông tin đã được số hóa và tích hợp vào Hệ thống văn phòng số (Digital Office).

 

Thực hiện “Lộ trình phát triển lưới điện thông minh” đã được Chính phủ phê duyệt, EVNNPC tích cực triển khai đầu tư, áp dụng các thành tự khoa học công nghệ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn Tổng công ty đã lắp đặt được hơn 5,2 triệu công tơ điện tử, đạt gần 50% số công tơ trên lưới điện, trong đó có hơn 90% số công tơ điện tử có thể đo xa. EVNNPC phấn đấu sẽ hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử đo xa vào năm 2024 với số lượng trên 12 triệu công tơ điện tử. Bên cạnh đó, Tổng công ty hiện cũng đã thực hiện CĐS được 5,59 triệu hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng, đạt 58,48% tổng số hợp đồng phải CĐS và tiếp tục đặt mục tiêu đạt 100% toàn bộ hợp đồng được số hóa trong năm 2021; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử tính đến hết tháng 6/2021 đạt 96,13%, vượt kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao 1,13%...

 

Trong công tác quản lý vận hành lưới điện, EVNNPC cũng đã làm chủ công nghệ tự động hóa trạm biến áp 110 kV. Hiện 80% trạm biến áp 110 kV do Tổng công ty quản lý đã thực hiện vận hành không người trực. Hệ thống thiêt bị được quy hoạch đồng bộ, bảo đảm khả năng quản lý và cấu hình tập trung, tối ưu về dự phòng thiết bị. Đồng thời, EVNNPC cũng hoàn thiện và tiếp tục xây dựng một số TBA 110 kV theo mô hình kỹ thuật số hiện đại nhất trên thế giới để cấp điện cho một số phụ tải quan trọng như, dự án: TBA 110 kV Quang Châu 2 và nhánh rẽ (dự kiến đóng điện tháng 12/2021); Đường dây và TBA 110 kV Bắc Thành phố - Thanh Hóa (dự kiến đóng điện tháng 6/2022)…

 

 

80% trạm biến áp 110 kV do EVNNPC quản lý đã thực hiện vận hành không người trực

 

Đối với các nhiệm vụ EVN giao chung cho các Tổng công ty, như: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS; Sửa chữa, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả thiết bị; Xây dựng cho CBCNV trong lĩnh vực kỹ thuật 01 Dashboard để khai thác dữ liệu thuận lợi nhất; Thiết lập hồ sơ điện tử…, EVNNPC vẫn đảm bảo tiến độ đề ra và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà Tập đoàn yêu cầu. Mặt khác, 12 nhiệm vụ mà Tổng công ty đăng ký với EVN, gồm: Xây dựng phần mềm số hóa các quy trình nghiệp vụ của EVNNPC; Xây dựng bản đồ quản lý lưới điện trên nền GIS; Dự án phần mềm quản lý máy biến áp; Chương trình tự động hóa lưới điện trung áp DMS; Lĩnh vực kỹ thuật vận hành, số hóa toàn bộ các đầu sổ, lý lịch thiết bị… cũng đã được các ban và các đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện tốt, cũng như đạt được hiệu quả rõ rệt bước đầu.

 

EVNNPC xác định, 2021 - 2022 là giai đoạn cần phải CĐS một cách toàn diện về mọi mặt hoạt động SXKD để sớm trở thành doanh nghiệp số. Trong công tác chỉ đạo điều hành, đến nay, 100% các đơn vị đã phổ biến đề án CĐS của EVN, kế hoạch CĐS của Tổng công ty tới toàn thể CBCNV. Đồng thời, đã thành lập, kiện toàn toàn Tiểu Ban chỉ đạo CĐS và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào mọi mặt hoạt động của đơn vị; Tổ chức chương trình đào tạo nhận thức về CĐS cho các cán bộ quản lý, điều hành của Tổng công ty và được trực tuyến đến các điểm cầu truyền hình tại các Công ty Điện lực, Điện lực trực thuộc.

 

Ông Nguyễn Đức Thiện – Phó Tổng Giám đốc, Phó Trưởng Ban thường trực Ban điều hành CĐS của EVNNPC cho biết: “Mặc dù phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành miền Bắc, nhưng các Ban và các Đơn vị trực thuộc Tổng công ty vẫn đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trong đó đã rất nỗ lực thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch CĐS. Thời gian tới, để công tác CĐS tiếp tục đi vào chiều sâu, Tổng công ty đề nghị các Đơn vị cần tiếp tục đánh giá các phần mềm thông qua phản hồi của người dùng để hoàn thiện tính năng; Các Ban chuyên môn cần tập trung nghiên cứu về phân hệ tổn thất điện năng và tụ bù; Công ty Công nghệ thông tin cần tiếp tục xây dựng ngay phương án tổ chức lực lượng quản lý vận hành các phần mềm sau khi hoàn thành, cũng như bố trí lực lượng có trình độ và tiếp tục đào tạo, ưu tiên nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, toàn EVNNPC sẽ nỗ lực, tập trung hoàn thành kế hoạch CĐS năm 2021 đã đề ra để tạo đà cho giai đoạn tiếp theo…”.

 

Với bước đi bài bản, kết hợp với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Ban Lãnh đạo, sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi CBCNV trong toàn Tổng công ty, tin tưởng rằng, quá trình CĐS tại EVNNPC sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, hiệu quả và toàn diện trong mọi mặt hoạt động SXKD.

 

          Tuấn Anh


Tag:EVNNPC

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang