Thứ Năm, 25/04/2024 12:23:49 GMT+7

Tin đăng lúc 18-07-2019

Lượt xem: 2367

EVFTA – “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho ngành Dệt may Việt Nam

Sáu tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2018, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 2,56 tỷ USD. Như vậy, EVFTA đã được kí kết và dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất, theo đó trong vòng 7 năm mức thuế hiện hành 15% sẽ được xoá bỏ dần về 0%.
EVFTA – “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho ngành Dệt may Việt Nam
EVFTA tạo cơ hội cạnh trạnh bình đẳng cho dệt may Việt Nam

Điều quan trọng là phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU do vậy nếu các doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam về dài hạn.

 

Vậy ngành Dệt May Việt Nam phải làm gì để tận dụng những “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đó? Phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam xung quanh vấn đề này.

 

PV: Thưa ông, Hiệp định EVFTA đã chính thức được ký kết, và dệt may là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất, vậy theo ông, Hiệp định sẽ mang tới những cơ hội gì cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam?

 

Ông Cao Hữu Hiếu: Chúng tôi cho rằng EVFTA sẽ mang tới các cơ hội tốt cho Dệt may Việt Nam (DMVN) bởi quy tắc xuất xứ để DMVN được hưởng thuế suất ưu đãi trong hiệp định EVFTA là quy tắc dễ đáp ứng hơn so với Hiệp định CPTPP, đó là quy tắc từ vải trở đi và còn được cộng gộp nguyên phụ liệu nhập từ Hàn Quốc.

 

Bên cạnh đó, Hiệp định này sẽ mở ra cho Việt Nam thêm những cơ hội mới vì hiện tại thị phần của Việt Nam tại EU còn thấp, ở mức 2%. Xu hướng nhập khẩu EU trong 6 tháng (tính đến hết quý I/2019) cho thấy, Trung Quốc cũng đang mất thị phần tại thị trường này. Bangladesh là nước được hưởng phần ưu đãi về thuế quan với EU do nước này đang là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi Trung Quốc mất thị phần tại EU. Vì vậy, họ đã vượt lên chiếm vị trí số 2 thế giới trong 6 tháng đầu năm 2019 về xuất khẩu. Nếu Việt Nam được hưởng lợi thế ưu đãi thuế quan ở thị trường EU thì hy vọng nước ta sẽ “đòi lại” được vị trí thứ 2 trong năm 2019 về xuất khẩu dệt may.

 

Hiện nay, Hiệp định vẫn cần phải được Nghị viện Châu Âu thông qua. Do đó, trong thời gian chờ đợi, DMVN cần nhanh chóng chuẩn bị cho thật tốt những điều kiện để đáp ứng Hiệp định.

 

PV: Xin ông cho biết để tối đa hóa lợi ích từ hiệp định mang lại, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có những sự chuẩn bị như thế nào?

 

Ông Cao Hữu Hiếu: Nhiều năm qua, với vai trò đầu tàu, dẫn dắt toàn ngành, Vinatex đã đầu tư chuỗi cung ứng từ sợi - dệt nhuộm hoàn tất - may. Điển hình có chuỗi cung ứng của Tổng công ty CP Phong Phú, Hanosimex, Dệt 8/3. Họ đã xây dựng nên những mô hình tốt về chuỗi cung ứng dệt may để các doanh nghiệp khác học tập, làm theo. Trong nỗ lực khép chuỗi cung ứng toàn diện, Vinatex cũng kết nối các doanh nghiệp thành viên để chia sẻ nguồn lực, tăng sức cạnh tranh. Cụ thể là, xây dựng chuỗi cung ứng đầy đủ sợi - dệt - nhuộm - may, chuyển dịch tăng tỷ lệ hàng dệt may FOB và ODM, chủ động tái cơ cấu, đầu tư trọng tâm vào chuỗi giá trị dệt may. Trong kế hoạch này, Vinatex giữ vai trò hoạch định, điều phối và liên kết các đơn vị thành viên để tăng cường hiệu quả của cả hệ thống.

 

PV: Bên cạnh những cơ hội mà EVFTA mang lại thì đối với ngành Dệt May cũng sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó, để có thể được giảm thuế theo quy định tại Hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ những quy tắc về xuất xứ. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

 

Ông Cao Hữu Hiếu: EVFTA có quy tắc xuất xứ từ vải trở đi thì toàn ngành DMVN chưa thể lập tức đầu tư nhanh và mạnh vào khâu dệt, nhuộm hoàn tất, những khâu đòi hỏi tỷ suất đầu tư rất cao, cùng với nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng, cũng như phải tính toán cho ra lời giải về quy mô, khi bên cạnh là nước láng giềng Trung Quốc, với quy mô sản xuất lớn gấp hơn 50 lần chúng ta, đương nhiên giá cả cũng cạnh tranh hơn nhiều lần. Chúng ta sẽ cân nhắc nhập một phần lượng vải từ Hàn Quốc như trên đã đề cập.

 

Bên cạnh đó, trong ý nghĩa chiến lược, EVFTA cũng là một “cú hích” để ngành DMVN buộc phải chuyển mình sang giai đoạn mới, để gia tăng giá trị và dịch chuyển phương thức sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ CM sang FOB, ODM, OBM. Tuy nhiên như trên đã phân tích, quá trình này không nên và không thể làm cấp tập.

 

Theo đánh giá, EU không phải là một thị trường dễ tiếp cận vì có nhiều nước thành viên, đơn hàng có số lượng tương đối nhỏ nếu so với đơn hàng đi Mỹ, thời gian thay đổi mẫu mã tương đối dày, khách hàng lại khá kỹ và khó trong các khâu quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm. Tuy nhiên EU lại có lợi thế là đơn giá nhập khẩu trung bình khá tốt, do đó trong tương lai với thêm lợi thế từ việc cắt giảm thuế, các doanh nghiệp của VN sẽ mạnh dạn hơn trong công tác xúc tiến, khai thác thêm thị trường EU.

 

 

Ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam

 

PV: Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do FTA trong đó có EVFTA sẽ giúp nhiều mặt hàng nhập khẩu trong đó có dệt may giảm mức thuế quan xuống 0%, tuy nhiên, nó cũng gia tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng may mặc trong nước khi hàng dệt may nước ngoài có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam. Vậy theo ông các doanh nghiệp trong nước cần có những động thái gì để đứng vững trên thị trường?

 

Ông Cao Hữu Hiếu: DMVN đã có thể đáp ứng các thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ, Hàn về chất lượng sản phẩm, thì chúng ta có thể tự tin rằng với thị trường trong nước, chúng ta không ngại cạnh tranh, nhất là khi chúng ta còn am hiểu sâu tâm lý người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,”, thì vấn đề là các doanh nghiệp DMVN cần tuyệt đối đảm bảo chất lượng và uy tín. Thị trường nội địa từng đáp ứng rất tốt những mặt hàng “Made in Vietnam” trong những năm qua. Tuy nhiên, ngoài tiêu chí chất lượng, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cần chú ý đầu tư bài bản vào khâu marketing và phân phối để không phụ lòng tin của người tiêu dùng, không để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn khiến chúng ta bị ảnh hưởng xấu.

 

Trong những năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các đơn vị thành viên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, dồn lực trong việc phát triển, xây dựng thương hiệu thời trang tại thị trường nội địa, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu  bên cạnh tăng trưởng thị phần xuất khẩu. Chỉ tính riêng trong năm 2018, doanh thu nội địa của Vinatex đạt hơn 12.638 tỷ đồng, tăng 22,58% so với năm 2017.

 

Nhiều đơn vị thành viên của Vinatex đã phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước với hàng trăm cửa hàng, đại lý phân phối. Với Tổng Công ty CP May Việt Tiến, hiện Việt Tiến đã có hơn 1390 cửa hàng, đại lý trên toàn quốc, phân phối các thương hiệu thời  trang Viettien, Vietlong, San Sciaro, Viettien Smart Casual… được đông đảo người tiêu dùng trong nước đón nhận. Cùng với Việt Tiến, Tổng Công ty CP May Nhà Bè với các thương hiệu: Mattana, Novelty… cũng đã bước phát triển mạnh mẽ với khoảng 200 cửa hàng, đại lý trên toàn quốc, cung cấp các mặt hàng thời trang nam công sở tới người tiêu dùng.

 

Tại thị trường miền Bắc, một trong những thương hiệu lâu đời được đông đảo người tiêu dùng biết tới là Tổng Công ty May 10. Đã từng có những thời kỳ hoàng kim, nhắc đến May 10 NTD sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm áo sơ mi và ngược lại. Với bàn đạp vững chắc từ thương hiệu lâu đời, hiện nay May 10 đã có khoảng 200 cửa hàng, & đại lý trên toàn quốc. Không chỉ dừng lại ở các dòng sản phẩm sơ-mi công sở, quần âu công sở, May 10 tiếp tục khẳng định mình và mở rộng thị phần với các thương hiệu như: May 10 Expert, M Series, May 10 Classic… thậm chí là các dòng sản phẩm cao cấp như GrusZ, May 10 Eco, May 10 Cleopatre dành cho nữ giới, thậm chí là dòng sản phẩm Veston cao cấp… cung cấp đa dạng mặt hàng cho mọi lứa tuổi.

 

Với những quyết tâm của mình, trong năm 2018 Vinatex đã trở lại “chặng đua” của thị trường nội địa với việc ra đời Trung tâm Thời trang Vinatex tại địa chỉ 25 Bà Triệu (Hà Nội), và trong tháng 07/2019 tiếp tục ra mắt 2 Trung tâm thời trang nữa tại 57 B Phan Chu Trinh và 21 Khâm Thiên (Hà Nội), quy tụ 100% các thương hiệu Việt, trong đó có sự góp mặt của nhiều thương hiệu nổi bật trong nước như: Việt Tiến, May 10, Merriman, Hanosimex, Đông Xuân… mang đến nhiều hơn sự lựa chọn dành cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Vinatex còn liên kết với các Tập đoàn, Tổng Công ty, Ngân hàng lớn để hỗ trợ cũng như sử dụng sản phẩm của nhau. Trong những năm qua, Vinatex tự hào là đơn vị sản xuất đồng phục, trang phục công sở của nhiều DN lớn như: Vietnam Airlines, Vietcombank, EVN…

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hoa (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang