Thứ Ba, 23/04/2024 17:45:14 GMT+7

Tin đăng lúc 22-12-2015

Lượt xem: 4374

EVFTA mở ra cơ hội, nhưng song hành là những thách thức rất lớn

Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU (EVFTA) bắt đầu khởi động từ tháng 6/2012, trải qua 14 vòng đàm phán, kéo dài suốt từ tháng 10/2012 đến tháng 8/2015. Ngày 4/8, hai bên đã tuyên bố kết thúc cơ bản việc đàm phán các nội dung của Hiệp định. Sau gần 4 tháng giải quyết nốt các vấn đề về kỹ thuật và hoàn thiện văn bản, ngày 2/12/2015, hai bên đã chính thức ký kết Hiệp định theo đúng trình tự dự kiến. Sau khi ký kết, EVFTA sẽ còn phải trải qua bước phê chuẩn tại Quốc hội, trước khi chính thức áp dụng.
EVFTA mở ra cơ hội, nhưng song hành là những thách thức rất lớn
Ngành Dệt may Việt Nam sẽ là ngành chủ lực xuất khẩu sang các nước EU

- Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế. Đối với các hàng hóa còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

 

- Dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.

 

- EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm.

 

- Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EU cũng làm tương tự như vậy đối với mật ong của Việt Nam.

 

- Việt Nam cam kết xóa 65% dòng thuế cho hàng hóa EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong vòng 10 năm, Việt Nam xóa trên 99% dòng thuế, còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.

 

- Với các sản phẩm ô tô, xe máy, Việt Nam cam kết đưa thuế về 0% sau từ 9 đến 10 năm; riêng xe máy có dung tích trên 150 cm3 có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm. Phụ tùng xe ô tô sẽ được miễn thuế sau 7 năm.

 

- Toàn bộ hàng dệt may của EU sẽ được tự do hóa ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng hóa là máy móc, thiết bị của EU vào Việt Nam sẽ có thuế nhập khẩu về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc tối đa 5 năm. Rượu vang, bia, thịt lợn và thịt gà được xóa thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm.

 

- Về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu sau lộ trình nhất định; chỉ bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm quan trọng, trong đó có dầu thô và than đá.

 

- EU dành cho Việt Nam cam kết trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư cao hơn trong WTO và tương đương mức cao nhất trong các FTA gần đây của EU. Việt Nam dành cho EU cam kết trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư cao hơn WTO và ít nhất là ngang bằng mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam dành cho các đối tác đàm phán FTA hiện tại, gồm cả TPP.

 

- Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 nước thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

 

- Việt Nam mở cửa thị trường cho các lĩnh vực như môi trường, bưu điện và chuyển phát, dịch vụ ngân hang, dịch vụ vận chuyển đường biển.

 

Ngoài việc giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường 500 triệu dân của EU, Hiệp định cũng sẽ tạo ra lợi thế về đầu tư của EU. Tác động lớn nhất phải kể đến là các doanh nghiệp đầu tư vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, một mắt xích được coi là rất yếu kém của sản xuất công nghiệp Việt Nam sẽ có được lợi thế lớn.

 

EVFTA là hiệp định đầu tiên EU đạt được với một quốc gia đang phát triển, được đánh giá là tạo nền tảng mới so với những hiệp định khác với các nước đang phát triển. Với EVFTA, hai bên đã đạt được sự tự do hóa và cân bằng, cùng một giai đoạn chuyển đổi để Việt Nam có thể thích nghi. Các chuyên gia cho rằng, tác động của EVFTA đến Việt Nam sẽ mạnh không kém gì TPP. Tuy nhiên, tác động này lại đến sớm hơn và nhanh hơn vì lộ trình đã hoàn tất và sớm được thực thi.

 

Ngành Da giầy có nhiều lợi thế khi Việt Nam ký hiệp định FTA

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, chỉ tính về thương mại, EVFTA ký kết chính thức sẽ giúp tăng 4-6% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam vào EU (chưa tính phần tăng thêm hàng năm) so với không ký kết. Cùng với những FTA khác mà Việt Nam tham gia trong thời gian vừa qua, EVFTA được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội đối với một số ngành như dệt may, đồ gỗ. Trong khi đó, bà Maylis Labayle, Giám đốc chính sách thương mại của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) đánh giá, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 10-15%, nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30-40% khi được đưa vào thực thi.

 
 

Thực tế, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường 500 triệu dân này là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như thịt, máy móc, phụ gia công nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng  như các Hiệp định FTA khác, Việt Nam có thể phải đối mặt với một số thách thức:


           Thứ nhất, khi ký kết hiệp định FTA với EU, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn trên sân nhà. Các hàng hóa của EU khi đi vào Việt Nam sẽ dễ dàng hơn và sẽ rẻ hơn, đồng thời các doanh nghiệp từ EU có thể dễ dàng thành lập các doanh nghiệp với 100% vốn nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và tham gia vào các lĩnh vực hiện nay Việt Nam chưa có thế mạnh hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu như ngành logistic, cảng biển, một số hàng tiêu dùng. Với kinh nghiệm quản lý, chất lượng vượt trội hơn hẳn của các doanh nghiệp EU, nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu lép vế là khá rõ ràng.


         Thứ hai, FTA có thể đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu chặt chẽ hơn trong vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Với một số ngành là thế mạnh xuất khẩu của mình, EU sẽ đòi hỏi cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, trước hết là loại bỏ các hình thức trợ giá từ phía Chính phủ Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như da giày, thủy sản sẽ bị tác động nhiều nếu Việt Nam không kiên quyết bảo vệ.


          Thứ ba, khi ký kết FTA với EU, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa. Muốn xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu lại rất có kinh nghiệm, có uy tín và lợi thế cả về công nghệ lẫn quản lý trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể thành lập được các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu hoặc tự thành lập ngành công nghiệp phụ trợ của riêng mình, nhiều doanh nghiệp NVV của Việt Nam, ngay cả khi chỉ sản xuất cho thị trường nội địa cũng sẽ đối mặt với nguy cơ lớn buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản.


         Ngoài những thách thức nói trên, việc ký kết FTA Việt Nam - EU cũng tạo ra nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam bị thôn tính cũng như tăng nguy cơ khiến Việt Nam rơi vào “bẫy tự do hóa thương mại” nếu kinh tế trong nước không có những cải cách sâu rộng.

          Cơ hội nhiều, thách thức không ít. Cái gì cũng có mặt trái của nó. Chỉ có điều, nhìn nhận đúng thực tế để có những giải pháp kiềm chế và giảm thiểu những bất lợi. Trong cuộc chơi hội nhập, không phải ai cũng thành công. Cuộc chiến này sẽ có doanh nghiệp thất bại vì đó là quy luật của thị trường. Đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai kém năng động, không chịu đổi mới, cứ làm theo nếp cũ và ỷ lại vào Nhà nước. “Muốn ăn phải lăn vào bếp” như câu tục ngữ đã được đúc kết từ bao đời nay. Muốn có ăn thì phải làm việc cật lực. Kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: “EVFTA mở ra cơ hội, nhưng song hành là những thách thức rất lớn” và ông nhấn mạnh “không có bữa ăn nào miễn phí cả”. Đúng như vậy, EVFTA mới chỉ là dạng tiềm năng, còn vận dụng tốt đến đâu, mang lại hiệu quả đến đâu, điều đó còn phụ thuộc cơ bản vào doanh nghiệp và đổi mới thể chế kinh tế.

 

Lê Xuân


Tag:EVFTA

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang