Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:56:11 GMT+7

Tin đăng lúc 04-05-2015

Lượt xem: 3942

Đừng để xuất khẩu Việt Nam thua ngay trên sân nhà

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng quý I/2015 GDP cả nước vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng, đạt 6,03%. Đây là con số cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Đừng để xuất khẩu Việt Nam thua ngay trên sân nhà
Ảnh minh họa

Trong bức tranh kinh tế sinh động đó, hình ảnh ngành công nghiệp in  dấu ấn rõ nét nhất. Trong hội nghị giao ban quý 1/2015 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông tin về chỉ số sản xuất công nghiệp được đánh giá là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý I. Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp của quý I tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (quý I/2014 tăng 5,2%; quý I/2013 tăng 5%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% (quý 1/2014 tăng 7,3%); sản xuất và phân phối điện tăng 12,1%...

 

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Công nghiệp có dấu hiệu phát triển rất mạnh, khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhanh, thậm chí tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, đáng mừng là công nghiệp chế biến rất tốt”. Đồng tình nhận định này, đại diện Bộ Công Thương lạc quan cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ tiếp tục được duy trì bởi một số yếu tố là: Xu hướng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp tăng và những tháng tới là thời điểm nhiều mặt hàng mang tính thời vụ bắt đầu đi vào sản xuất.

 

Những yếu tố giúp chỉ số công nghiệp có sự ổn định và khởi sắc trong quý 1/2015, đó là sự đóng góp của một số ngành. Điểm sáng nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn giữ  nhịp độ tăng. Sản lượng dầu thô khai thác trong nước đạt 4,17 triệu tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2014. Than sạch khai thác được 10 triệu tấn, tăng 3,2%. Khai thác khí đốt thiên nhiên đạt 2,6 tỷ m3. Ngành Điện cũng có mức tăng trưởng cao. Trong quý này, điện sản xuất và mua đạt gần 34,9 tỷ kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014… Những con số đó đã tạo nên hình ảnh sáng sủa của ngành công nghiệp trong bức tranh kinh tế tổng thể quý I/2015.

 

Ngược lại với ngành công nghiệp, lĩnh vực xuất khẩu (XK) vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Hoạt động XK cả nước vừa đi được 1/4 chặng đường kế hoạch năm 2015 với kết quả chưa thật khả quan. Cụ thể, kim ngạch XK quý này đạt 35,67 tỷ USD, chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia, đây là mức tăng trưởng thấp và thấp hơn hẳn so với cùng kỳ của những năm gần đây (cùng kỳ năm 2013 tăng 17,6% và cùng kỳ năm 2014 tăng 14,1%). Từ đó, cần phân tích, định rõ nguyên nhân cũng như tìm cách khắc phục để "kích" hoạt động XK, lấy lại đà tăng trưởng. Trước hết, nguyên nhân làm cho tốc độ tăng trưởng XK thấp là do thời gian nghỉ tết vừa qua kéo dài, dẫn đến nhiều doanh nghiệp (DN) giảm công suất dây chuyền sản xuất và xuất khẩu so với các thời điểm khác trong năm. Tỷ giá hối đoái thay đổi, nhu cầu tiêu dùng thế giới có sự suy giảm cũng là lý do XK không đạt như mong muốn. Đặc biệt, kim ngạch XK của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ta đạt gần 6,13 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014. Ðiều đáng lo ngại là hầu hết các mặt hàng XK chính như cà phê, gạo, thủy sản, gỗ... đều giảm.

 

Trong khi tăng trưởng XK đang chậm lại, nhập khẩu (NK) lại phục hồi do nhu cầu nội địa mạnh lên. Một khi nhân công lao động vẫn là yếu tố giá trị gia tăng chính của Việt Nam và hầu hết nguyên liệu đầu vào đều được NK thì chỉ số tăng trưởng NK cao là điều tất yếu. Tuy nhiên, điều băn khoăn chính là sự gia tăng mạnh việc NK các mặt hàng tiêu dùng, chẳng hạn như xe ô tô đã tăng 78,5% trong quý I/2015 so cùng kỳ năm trước…

 

Điều đáng quan tâm là XK của các doanh nghiệp trong nước đều giảm trong quý I/2015 và quý IV/2014. Trong quý I/2015, kim ngạch XK của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 10,6 tỷ USD, giảm 5,1% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,2%), thâm hụt thương mại của các doanh nghiệp trong nước mở rộng ở mức 3,8 tỷ USD so với mức 2,4 tỷ USD trong quý I/2014. Điều này thể hiện doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, kim ngạch XK quý I của các doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 25,1 tỷ USD, tăng 12,9% và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn tỷ trọng 66,7% của cùng kỳ năm 2014. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2015, trong số 21 nhóm hàng (chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu), có 8 mặt hàng tỷ trọng khu vực FDI chiếm trên 90% hoặc 100% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Việc khu vực kinh tế trong nước đánh mất vai trò trong tăng trưởng xuất khẩu không phải đến bây giờ mới lộ diện, mà bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21 do những yếu kém, hạn chế chậm được khắc phục. Khoảng cách năng lực xuất khẩu giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI ngày càng doãng rộng, càng được khoét sâu hơn sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nếu các doanh nghiệp của chúng ta không xây dựng được chiến lược xuất khẩu hiệu quả và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI xuất khẩu hàng đầu, thì ngay cả qui mô xuất khẩu cũng khó tăng lên chứ chưa nói đến lợi ích thu được từ xuất khẩu sẽ chuyển hết sang tay các nhà đầu tư nước ngoài. Kéo theo đó là năng lực xuất khẩu của đất nước mất quyền chủ động.

 

Một điểm đặc biệt đáng lưu tâm, dù nước ta chuyển sang trạng thái thặng dư thương mại từ năm 2012 (sau hàng thập kỷ thâm hụt triền miên), song khu vực kinh tế trong nước vẫn đắm chìm trong trạng thái thâm hụt. Đây có thể là mảng màu tối nhất trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Nếu năm 2008 kỷ lục nhập siêu cao nhất (hơn 18 tỷ USD), khu vực kinh tế trong nước cũng lập kỷ lục nhập siêu tới trên 24,5 tỷ USD, tới năm 2014 khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu hơn 15 tỷ USD, trong khi khu vực FDI lập kỷ lục xuất siêu hơn 17 tỷ USD. Bức tranh tương phản liên tục xuất siêu của khu vực FDI với liên tục nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước dường như không dễ thay đổi. Vai trò cứu cánh cho cán cân thương mại của khu vực FDI sẽ tiếp tục được củng cố và duy trì tới chừng nào khu vực kinh tế trong nước giải được bài toán cân đối xuất nhập khẩu.

 

Theo nhiều chuyên gia, trong những năm qua, hình ảnh XK xuất sắc của Việt Nam phần lớn là nhờ vào sự thúc đẩy của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, các chuyên gia còn nhận xét, Việt Nam vẫn là nước “XK giùm, tiêu thụ hộ” cho các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, vì phần lớn nguyên vật liệu sản xuất hàng XK đều phải nhập từ nước ngoài. Nếu không có một chiến lược chủ động để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao kiến thức về công nghệ của mình thì những lợi ích từ FDI sẽ bị giới hạn ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Có thể nói, hoạt động xuất khẩu quý I/2015 không phải đáng bi quan, nhưng gam màu chủ đạo của nó trong bức tranh kinh tế chung của cả nước thì vẫn nhạt nhòa. Đã đến lúc cần mổ xẻ, cần có một cách nhìn, đánh giá nghiêm túc, khách quan và toàn diện về xuất khẩu. Nếu không, lĩnh vực này thua trên sân nhà là điều hiện hữu.

 

Xuân Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang