Thứ Sáu, 29/03/2024 18:09:44 GMT+7

Tin đăng lúc 11-08-2014

Lượt xem: 6216

Dụng cụ đọc chỉ số công tơ điện - Sáng kiến kỹ thuật của người công nhân đất mỏ

Thiết bị “Kính ghi chỉ số công tơ” thực sự đã xóa đi hình ảnh cũ kỹ về một người công nhân quản lý điện luôn phải đối mặt với những vất vả không thể xem thường khi phải thực hiện công việc ghi chỉ số của hơn 350 ngàn công tơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Dụng cụ đọc chỉ số công tơ điện - Sáng kiến kỹ thuật của người công nhân đất mỏ

Tình huống nguy hiểm khi phải vác thang để tham gia giao thông

 

Chúng ta thường thấy họ xuất hiện tại chân những cột điện trên đó treo những hộp công tơ hộ tư gia cao ngất ngưởng đến tận hơn 4m hoặc 5m sau một hành trình di chuyển từ tổ quản lý điện tới nơi hiện trường khá gian truân. Gian truân vì bắt buộc phải có 2 người cùng đi một xe máy, người ngồi sau phải vác thang tre, gỗ hoặc “xịn” nhất cũng là một cái thang nhôm hai đoạn loại Pal B2-105 của Đài Loan dài cỡ 1,6 m, nặng tới 8kg (thang gỗ hoặc tre thì thôi rồi, dài tới 3m!). Hai đầu của cái thang luôn đe dọa sự an toàn của người đi đường khiến họ phải chở nhau đi rất thận trọng và mất nhiều thời gian để đến được nơi làm việc một cách an toàn, trót lọt.


 

Hộp treo công tơ hầu hết ở vị trí khá cao


Các thao tác tiếp theo trong cách làm cũ đã ngốn mất rất nhiều thời gian của những người thợ như một người phải chỉnh, giữ chân thang để người còn lại leo lên thang, đứng cho vững, thắt dây an toàn, lau lớp bụi che mờ mặt kính để đọc và ghi vào sổ (hoặc vào một thiết bị hiện đại hơn như máy tính bảng chẳng hạn) hàng chữ số của từng chiếc công tơ chen chúc trong hộp với những mức tối sáng rất khác nhau. Mặc! Anh không có quyền được đọc nhầm và ghi nhầm những con số đó, sự không chính xác của người thợ sẽ gây ra rất nhiều phiền toái cho khách hàng và cho chính bản thân anh ta. Việc trèo thang để ghi chỉ số còn tiềm ẩn những nguy hiểm cho người thợ điện như trượt ngã, đổ thang, vô tình chạm vào bộ phận có điện bị rò, hở, bị điện giật và ngã... (thực tế đã từng xảy ra những chuyện đau lòng này). Đặc biệt nếu thao tác trong điều kiện thời tiết xấu kèm mưa, gió, mức độ nguy hiểm đến tính mạng còn nhiều hơn. Lo ngại hơn nữa, nếu những người thợ đã có tuổi, sức khỏe giảm sút, phản xạ của cơ thể đã không còn tốt thì công việc này đối với họ quả là nhiều trở ngại. Nguy cơ chạm phải dây dẫn điện hở, hoặc tiếp xúc với vật mang điện rò là rất cao.
                                                

 

Thiết bị mới nằm gọn trong bao đựng có quai đeo, may bằng chất liệu bền với tổng chiều dài khi thu gọn nhất có... 1m28, cùng với trọng lượng khi có cả 3 quả pin “tiểu” chỉ vỏn vẹn... 1,3kg đã thực sự cho phép người thợ (nam hoặc nữ) yên tâm hơn khi phải đeo “khẩu súng săn” phóng xe máy trên đường phố đông đúc hoặc cả khi cần thiết phải đi kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ ban đêm (do thiết bị có nguồn sáng riêng nên thợ điện có thể đọc chỉ số công tơ không cần nguồn sáng ngoài). 

 

 Thiết bị mới thực sự mở ra cho người thợ điện một điều kiện làm việc mới mẻ, dễ làm và được làm trong tâm trạng yên tâm, thoải mái. Các thao tác cực kỳ nhẹ nhàng và đơn giản: Bỏ kính ra khỏi bao; Bật công tắc nguồn sáng; Điều chỉnh hai hoặc cả ba đoạn cán inox theo độ dài ước đến mặt hộp công tơ cao nhất (có thể vươn tới 5m); Đưa kính lên sát cửa sổ công tơ; Lau mặt kính cửa sổ công tơ bằng tấm “mút” ở đầu kính nếu có bụi bẩn; Áp đầu soi của kính vào cửa sổ công tơ ở góc độ thích hợp (từ 45o đến 70o) sẽ thấy ngay ảnh thật, cùng chiều của hàng chữ số sáng rực nhờ đèn LED, được phóng đại lên khoảng 3,5 lần qua thấu kính lồi có đường kính lộ sáng đến 80mm. Điều chỉnh cán inox của kính để lần lượt đọc và ghi chỉ số của toàn bộ công tơ trong các hộp trên cột điện. Tiếp tục di chuyển sang các cột điện khác để hoàn thành nốt việc đọc và ghi chỉ sô công tơ với các thao tác đơn giản và nhẹ nhàng. Kết thúc ngày làm việc hoặc chu kỳ ghi chỉ sô, người thợ chỉ việc tháo khối pin ra khỏi kính để tránh hao pin hoặc pin  hỏng sẽ phá đèn chiếu sáng khi bảo quản kính trong thời gian dài. Với cách đọc và ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị mới, người thợ điện hoàn toàn không phải dùng tới các loại thang trèo nữa, loại bỏ hẳn nguy cơ bị ngã cao, điện giật...  
 

          Thiết bị ở tư thế đọc (bên trái) và hình ảnh chỉ số công tơ đọc được qua thiết bị 

 
Đơn vị đầu tiên đưa vào sử dụng thiết bị này là Công ty Điện lực Quảng Ninh đã có đánh giá rất khách quan: Thiết bị đã giải quyết được hầu hết các nguy cơ, khó khăn trong công tác ghi chỉ số công tơ, phúc tra chỉ số công tơ và đặc biệt hiệu quả đối với đội ngũ công nhân tuổi cao, sức khỏe kém. Hiện sản phẩm này đã được Công ty Điện lực Quảng Ninh công nhận sáng kiến kỹ thuật và đưa vào áp dụng rộng rãi cho 15 Điện lực trực thuộc trên địa bàn toàn tỉnh.

                                                                                         Vũ Thế Bình - Công ty Điện lực Quảng Ninh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang