Thứ Năm, 28/03/2024 22:57:35 GMT+7

Tin đăng lúc 04-08-2015

Lượt xem: 6567

Đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Hội đồng thương hiệu quốc gia Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2015. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới
Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2015

Diễn đàn là hoạt động thuộc Chương trình Tuần lễ “Tự hào Thương hiệu Việt Nam”, nhằm chia sẻ và thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm, ngành hàng... giữa các nhà quản lý, chuyên gia thương hiệu và doanh nghiệp.

 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2015, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất của Chính phủ với mục đích quảng bá các hình ảnh thương hiệu quốc gia thông qua các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa, giao cho Bộ Công Thương chủ trì. Thứ trưởng mong muốn Diễn đàn sẽ có được những trao đổi, phân tích từ đó đưa ra các định hướng phát triển được thương hiệu Việt Nam, xây dựng được thương hiệu Việt Nam, thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, thương hiệu ngành hàng… để sản phẩm của Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới.

 

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh, nếu sản phẩm tốt, nếu mặt hàng tốt, chất lượng cao cũng như giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng không được xây dựng thương hiệu, không được người tiêu dùng biết đến thương hiệu thì sản phẩm đó khó phát triển được. Thông qua Diễn đàn, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mong muốn, các đại biểu sẽ có những trao đổi, thảo luận để từ đó có được định hướng xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và các thương hiệu, các ngành hàng của địa phương cũng như các sản phẩm có uy tín nói riêng sẽ được người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế biết và tin dùng.

 

 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa

 
Trao đổi tại Diễn đàn, các chuyên gia về thương hiệu đều cho rằng, Việt Nam có nhiều sản phẩm chất lượng nhưng việc xây dựng thương hiệu quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, muốn đưa thương hiệu Việt ngự trị trong lòng người Việt và xa hơn nữa là vươn ra thế giới, các doanh nghiệp cần nắm bắt về cách thức xây dựng thương hiệu, vai trò, sức mạnh của thương hiệu quốc gia, cũng như đánh giá được khuynh hướng và thái độ người tiêu dùng đối với lựa chọn thương hiệu Việt Nam và thương hiệu nước ngoài.

 

Cho biết về lịch sử hình thành Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) ra đời theo Quyết định số 253 ngày 25/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ, giao cho Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức kinh tế và doanh nghiệp triển khai.

 

Mục tiêu của chương trình THQG là nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam để hỗ trợ và phát triển theo các giá trị vủa Chương trình là "Chất lượng-Đổi mới, Sáng tạo-Năng lực tiên phong" và quảng bá hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị này trên thị trường trong nước và thị trường thế giới tới các đối đối tượng mục tiêu.

 

Ông Bùi Huy Sơn cũng cho biết, các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về vấn đề xây dựng thương hiệu đã được tổ chức thông qua các hội thảo, diễn đàn, các lớp tập huấn, đào tạo; phát hành các ấn phẩm thông tin tuyên truyền kiến thức về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp. Từ đó đã góp phần tích cực tăng cường nhận thức về thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, phát động phong trào xây dựng thương hiệu theo định hướng đúng đắn mà quốc gia hướng tới.

 

Tuy nhiên, ông Bùi Huy Sơn cũng cho hay, vẫn còn doanh nghiệp Việt Nam dù đã có chuyển biến về nhận thức đối với xây dựng thương hiệu nhưng tiềm lực, năng lực còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới, chương trình Thương hiệu Quốc gia tiếp tục triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đạt tiêu chuẩn quốc gia; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đồng thời nhận được hỗ trợ, quảng bá cung cấp thông tin về thị trường; tham gia các lớp nâng cao kỹ năng phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại và đặc biệt là tham gia các chương trình Tự hào Thương hiệu Quốc gia, để chia sẻ, học tập kinh nghiệm và áp dụng vào doanh nghiệp của mình, v.v…

 

 
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương
 
Còn theo ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Brand Finance - Công ty tư vấn thương hiệu quốc tế tại Việt Nam, giá trị thương hiệu của Việt Nam tính năm 2014 là 172 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2013 và tính trong khối ASEAN, Việt Nam vươn lên đứng thứ 6, sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippin, v.v... Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng thương hiệu trong xu thế hội nhập trong khi áp lực cạnh tranh thời gian tới là rất lớn.

 

Ông Lại Tiến Mạnh khẳng định, Thương hiệu Quốc gia là thành tố quan trọng nâng cạnh sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam bởi nó có thể tác động tới cán cân thanh toán bằng cách tạo ra ảnh hưởng tới đầu tư, thu hút vốn, khuyến khích người dân trong và ngoài nước mua sắm sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, rõ ràng, các doanh nghiệp cần đầu tư hơn cho xây dựng thương hiệu. Mà muốn làm được vậy, bản thân doanh nghiệp phải có định hướng, xây dựng thương hiệu xuất phát từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa một cách bền vững và tạo ra niềm tin với khách hàng.

 

Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Trần Trọng Hữu, chủ tịch Công ty Khí hóa lỏng miền Bắc - đơn vị thành viên của PV Gas cho rằng,Thương hiệu Quốc gia là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, không chỉ tôn vinh những giá trị Việt mà còn tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam định hướng phát triển đúng đắn và đạt được những hiệu quả giá trị và bền vững. Ông Trần Trọng Hữu cho biết, để xây dựng hình ảnh PV Gas là đơn vị hàng đầu trong ngành công nghiệp khí Việt Nam và định hướng đến tầm khu vực, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ hơn nữa trong đào tạo, tư vấn nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu theo ngành hàng thông qua hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu, xây dựng và thực hiện chiến lược cho ngành; đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia thông qua các sự kiện thương mại quốc tế, v.v…

 

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đã thảo luận về những vấn đề cụ thể như: Các yếu tố đóng góp cho giá trị Thương hiệu Quốc gia; Quan điểm và thái độ của người tiêu dùng Việt Nam đối với việc lựa chọn thương hiệu Việt Nam và thương hiệu nước ngoài; Thương hiệu Quốc gia, Thương hiệu địa phương: Góc tiếp cận chiến lược, cũng như những chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia,v.v…

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang