Thứ Năm, 25/04/2024 06:31:49 GMT+7

Tin đăng lúc 06-08-2019

Lượt xem: 1716

Đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ logistics

Giữ vai trò hạt nhân trung tâm, đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, thành phố Hà Nội đã tăng cường hỗ trợ, phát triển dịch vụ logistics nhằm tận dụng những lợi thế, cơ hội đang mở ra cho lĩnh vực này tại Việt Nam. Đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cùng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng…
Đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ logistics
Định hướng phát triển Cảng cạn ICD kết hợp Cảng đường thủy Khuyến Lương

Thu hút đầu tư

 

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết hoạt động logistics ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với ngành thương mại nói riêng ở Việt Nam. Đối với thành phố Hà Nội, dịch vụ logistics đang có tốc độ phát triển nhanh chóng; hình thành nhiều doanh nghiệp (DN) mới hoạt động trong lĩnh vực logistics, chuyển phát, giao nhận ở các quy mô khác nhau. Các DN sản xuất, kinh doanh đã từng bước lựa chọn thuê ngoài những dịch vụ logistics phức tạp, chuyên nghiệp thay vì tự mình thực hiện.


Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 25.000 DN hoạt động logistics với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ logistics khác nhau, bao gồm từ việc thực hiện dịch vụ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng… Trong số các DN dịch vụ logistics này, có khoảng 400 DN đang sử dụng gần 100 ha đất để kinh doanh cho thuê kho, bãi tập kết sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu chờ cung ứng, phân phối, tiêu thụ với các quy mô từ 60m2 đến 63.014m2. Hầu hết các kho, bãi này nhỏ lẻ, rời rạc, nằm rải rác trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

 

Tuy nhiên, cũng có một số kho bãi lớn đang được các DN logistics khai thác, vận hành như: Trung tâm Logistics Hateco tại quận Long Biên của Công ty CP Hateco Logistics, diện tích 12 ha; Trung tâm Logistics Đường sắt Yên Viên tại huyện Gia Lâm do Chi nhánh Yên Viên - Công ty CP Giao nhận và vận chuyển Indo Trần hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, diện tích 2 ha. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang từng bước đầu tư xây dựng mới các kho, bãi quy mô lớn như Cảng cạn ICD Mỹ Đình 17,75ha tại huyện Hoài Đức, Cảng cạn ICD Gia Lâm 47,2ha tại huyện Gia Lâm, Trung tâm logistics hạng I 50ha tại huyện Sóc Sơn, Trung tâm logistics hạng II 22ha tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

 

Ông Nguyễn Thanh Hải cho hay, hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm logistics đang được các nhà đầu tư tham gia đề xuất. Đã có 3 dự án được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng quy mô diện tích chiếm đất khoảng 46ha. Ngoài ra, còn có 9 dự án đang được nhà đầu tư nghiên cứu, lập dự án, tổng diện tích chiếm đất khoảng 160,1ha. UBND thành phố cũng xem xét, định hướng phát triển Cảng cạn ICD kết hợp Cảng đường thủy Khuyến Lương tại Cảng Khuyến Lương, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, để hỗ trợ, phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt Đề án Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 5/4/2018 về phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018; Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 8/1/2019 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

 

Đồng thời, trong các năm 2018 và 2019, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp góp phần phát triển nguồn nhân lực logistics. Chẳng hạn, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo "Giải pháp đưa Hà Nội thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước"; phối hợp với Trường Đại học công nghệ giao thông vận tải tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động logistics"; phối hợp với Nhà xuất bản Công Thương biên soạn và xuất bản 7.500 cuốn cẩm nang logistics…

 

Trong những năm qua, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tổ chức thực hiện đầu tư, phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng giao thông vận tải như: 6 tuyến cao tốc hướng tâm, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài, đường vành đai 3,5 và 2,5, vành đai 2 và 3, các cầu vượt sông… Cùng với hệ thống đường sắt, đường thủy, đường hàng không, hệ thống giao thông vận tải đã tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động logistics trên địa bàn thành phố phát triển.

 

Hơn nữa, đến nay, Cục Hải quan Hà Nội đã triển khai 163/168 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 112 dịch vụ công mức 4 và 51 dịch vụ công mức 3. Thời gian thực hiện thủ tục hải quan được giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục vận hành hiệu quả hệ thống thông quan tự động và một cửa quốc gia VNACCS/VCIS. Qua đó, giảm được thời gian, chi phí, giấy tờ, hồ sơ trong quá trình làm thủ tục của DN, đặc biệt là các thủ tục có độ phức tạp như quyết toán xuất nhập khẩu…

 

Ngoài ra, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 23/2/2018 về triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt và chiến lược phát triển của ngành ngân hàng. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép cho 10 tổ chức tín dụng được áp dụng dịch vụ thanh toán điện tử bằng "ví điện tử"; cấp phép 2 ví điện tử cho tổ chức ngân hàng, tổ chức cung cấp dịch vụ trên nền tảng internet.

 

Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức kết nối hoạt động logistics với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nên chuỗi giá trị khép kín, hoàn chỉnh. Ứng dụng mạnh mẽ hình thức logistics điện tử, logistics xanh trong kinh doanh dịch vụ logistics. Đồng thời, định kỳ tổ chức khảo sát tình hình hoạt động logistics nhằm nắm bắt xu hướng vận động, những điểm bất hợp lý để kịp thời khắc phục. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng 3 dự án trung tâm logistics đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án đầu tư xây dựng trung tâm logistics đang được nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất; tiếp tục triển khai kết nối trao đổi thông tin hàng hóa điện tử giữa DN kinh doanh kho, bãi, cảng với cơ quan hải quan theo Nghị định số 68/2016/NĐ-CP…

 

Đề án "Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025", đặt mục tiêu phát triển thành phố Hà Nội thành 1 trong 3 trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, thương mại và đầu tư của thành phố Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

 

Nguồn Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang