Thứ Ba, 16/04/2024 17:13:56 GMT+7

Tin đăng lúc 21-09-2019

Lượt xem: 2382

Dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017/NĐ-CP: Nhiều kiến nghị mới

Bộ Tài chính đã gửi công văn tiếp tục xin ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP đối với những nội dung kiến nghị mới mà các cơ quan đề xuất khi tham gia ý kiến.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017/NĐ-CP: Nhiều kiến nghị mới
Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế nhập khẩu MFN các mặt hàng sữa và sản phẩm sữa nhằm hỗ trợ ngành sữa trong nước ổn định phát triển.

Trong những nội dung này, có 3 nội dung đề xuất tăng thuế và 3 đề xuất giảm thuế. Bên cạnh đó, còn có 1 nội dung đề nghị áp thuế trần. 

 

Những mặt hàng được đề xuất tăng thuế

 

Những mặt hàng được đề xuất tăng thuế đó là: Mặt hàng kính gia công, mặt hàng mùn cưa và phế liệu gỗ, mặt hàng propan. Trong đó, mặt hàng kính gia công được Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam kiến nghị đưa lên mức 40%, tăng từ 0,6 đến 1,67 lần so với hiện tại. Kiến nghị này được đề xuất do hiện nay ngành kính trong nước đã làm chủ công nghệ chất lượng hàng hóa, sản phẩm đa dạng  chủng loại đủ để cung cấp cho thị trường.

 

Đối với mặt hàng mùn cưa và phế liệu gỗ, đề nghị tăng thuế xuất khẩu mặt hàng mùn cưa và phế liệu gỗ từ 0% lên 2% do xét về mức độ gia công, chế biến không chênh lệch với mặt hàng dăm gỗ hiện đang quy định mức 2% và dự kiến tăng lên 5%.

 

Bên cạnh đó, có kiến nghị đề xuất tăng thuế nhập khẩu mặt hàng hạt nhựa polypropylen (nhựa PP) từ 3% lên 10%.

 

Trước những đề xuất này, quan điểm của Bộ Tài chính là những mặt hàng nào đã thực hiện theo cam kết trần WTO như các mặt hàng kính là sẽ giữ nguyên, mặt hàng nào chưa thực hiện sẽ tăng sát cam kết trần WTO, còn những danh mục nào đang trong diện khuyến khích đầu tư sẽ vẫn được ưu đãi.

 

Cụ thể, đối với mặt hàng kính gia công, xét theo Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đã quy định mặt hàng kính tôi an toàn thuộc mã hàng 7007.19.90 và mặt hàng kính dán an toàn nhiều lớp thuộc mã hàng 7007.29.90 đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 15%, bằng cam kết trần WTO. Còn mặt hàng kính hộp nhiều lớp thuộc mã hàng 7008.00.00 có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 25%, bằng cam kết trần WTO. Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của 03 mặt hàng trên đã được quy định bằng mức trần cam kết WTO góp phần bảo hộ sản xuất trong nước, do vậy đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

 

Theo Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP thì mặt hàng “Mùn cưa và phế liệu gỗ, đã đóng thành dạng khúc, bánh (briquettes), viên hoặc các dạng tương tự”, mã HS 4401.31.00, 4401.39.00, 4401.40.00 có mức thuế xuất khẩu 0%. Kim ngạch NK năm 2018 đạt 409 triệu USD, xuất khẩu chủ yếu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Na uy, Đan Mạch, Malaixia... Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mặt hàng mùn cưa và phế liệu gỗ, đã đóng thành dạng khúc, bánh, viên...nêu trên có mức độ đầu tư máy móc thiết bị nhiều hơn, quy trình gia công chế biến sâu hơn so với dăm gỗ và nên khuyến khích xuất khẩu. Mặt khác thuế suất mặt hàng dăm gỗ dự kiến giữ nguyên như hiện hành, do vậy việc quy định mức thuế suất 0% đối với mặt hàng mùn cưa và phế liệu gỗ là phù hợp để khuyến khích đầu tư chế biến xuất khẩu.

 

Về kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng nhựa PP từ 3% lên 10%, xét theo cam kết WTO là 6%, do đó để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu mặt hàng hạt nhựa polypropylen từ 3% lên 5% (sát mức trần cam kết WTO là 6%). Đánh giá về tác động thu NSNN, theo kim ngạch NK năm 2018 là 1.339 triệu USD thì trường hợp tăng thuế từ 3% lên 5% thì số thu tăng khoảng 9,3 triệu USD, tương đương 215 tỷ đồng.

 

Những mặt hàng đề xuất giảm thuế

 

Những mặt hàng được đề xuất giảm thuế gồm: Mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa, mặt hàng nhôm chưa gia công thuộc nhóm 76.01, mặt hàng propan. Trong đó, đề nghị giảm thuế đối với các mặt hàng sữa là nhiều nhất, mức đề nghị giảm từ 3 – 5%, còn mặt hàng nhôm được đề nghị giảm 3%, mặt hàng propan được đề nghị mức giảm là 2%.

 

Kiến nghị của Hội đồng xuất khẩu Sữa Hoa Kỳ là giảm thuế MFN đối với Sữa bột tách kem; Sữa bột nguyên kem; Pho mát và sữa đông; Albumin sữa. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Am Cham Việt Nam) kiến nghị xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu của các mặt hàng trên từ 3 – 5% tùy loại.

 

Sau khi cân nhắc, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế nhập khẩu MFN các mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc các nhóm hàng 0402, 0406, 3502 nhằm hỗ trợ ngành sữa trong nước ổn định phát triển. Vì qua số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu cho thấy mặt hàng sữa, phomat sữa đông, albumin được nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường NewZealand, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Úc và đã được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết (ATIGA, AANZFTA), cũng như sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, EAEUFTA. Hiện nay, trong nước đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất được mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa (Vinamilk, TH True Milk…).

 

Mặt khác, theo Quyết định số 1380/QĐ-BCT ngày 25/3/2011 của Bộ Công Thương về việc ban hành danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu trong đó có các mặt hàng sữa thuộc nhóm 0402 và 0406.

 

Để hỗ trợ sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đồng ý giảm thuế các mặt hàng nhôm chưa gia công thuộc nhóm 76.01 từ 3% xuống 0% do Việt Nam chưa sản xuất được phôi nhôm. Bên cạnh đó, việc sản xuất phôi nhôm từ quặng bauxite tiềm ẩn các rủi ro về môi trường, đồng thời sử dụng rất nhiều điện năng và do đó nhà nước chưa có chính sách khuyến khích sản xuất trong nước đối với sản phẩm này trong thời gian tới. Dự kiến nếu giảm thuế NK từ 3% xuống 0 % thì số thu NSNN dự kiến giảm khoảng 3,33 triệu USD, tương đương 76,6 tỷ đồng.

 

Mặt hàng propan cũng được Công ty Hyosung đề nghị giảm thuế nhập khẩu propan để sản xuất hạt nhựa polypropylen (hạt nhựa PP) từ 2% xuống 0%.

 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành do tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, mặt hàng propan thuộc mã hàng 2711.12.00 có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là 2%, cam kết WTO 2019 là 5%, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA là: ATIGA: 0%, AKFTA: 0%, VJFTA: 1%. Kim ngạch NK năm 2018 của mặt hàng propan khoảng 187 triệu USD, nhập khẩu chủ yếu từ các nước Quata (54,2 triệu), Kuwat, Arập Saudi, UEA....áp dụng mức thuế suất MFN 2%.

 

Theo Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT thì trong nước đã sản xuất được mặt hàng propan. Hiện nay nhu cầu sử dụng propan trong nước khoảng 2 triệu tấn, trong nước cung cấp được 900.000 tấn, đáp ứng khoảng 45% nhu cầu. Ngoài ra, mặt hàng này mới được điều chỉnh từ 5% xuống 2% từ 1/1/2018, do vậy Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

 

Tạm thời chưa áp thuế trần để hỗ trợ sản xuất

 

Tại công văn số 6542/BCT-CN ngày 4/9/2019, Bộ Công Thương đề nghị áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo mức trần của các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên đối với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được thuộc các ngành: cơ khí trọng điểm, điện - điện tử, hàng may mặc thuộc các Chương 61, 62, 63, 84, 85, 87 Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP do đây là các lĩnh vực sản xuất có tiềm năng thị trường rất lớn và các doanh nghiệp trong nước có nhiều dư địa để phát triển nhằm tận dụng các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

 

Bộ Tài chính cho rằng, về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại các Nghị định của Chính phủ thực hiện các Hiệp định song phương và đa phương được thực hiện theo đúng lộ trình cam kết thuế suất, do đó sẽ không đẩy nhanh so với cam kết nhằm hỗ trợ sản xuất sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.  

 

Theo Enternews

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang