Thứ Tư, 24/04/2024 19:40:27 GMT+7

Tin đăng lúc 23-02-2019

Lượt xem: 7971

Du lịch Bình Định: Khởi sắc vào mùa 2019

Triển khai Chỉ thị 103/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bình Định đã nhanh chóng hiện thực hóa Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về Chương trình hành động: Phát huy tổng lực tiềm năng du lịch của tỉnh nhà, tạo động lực mạnh mẽ để “mỗi địa phương thành điểm đến, mỗi người dân là một hướng dẫn viên”.
Du lịch Bình Định: Khởi sắc vào mùa 2019
Cảnh đẹp du lịch Bình Định

Trong tiến trình đó, năm 2018 Bình Định đã tạo được đỉnh cao mới, hiệu quả đáng khích lệ trong phát triển du lịch địa phương, liên kết chuỗi với các điểm đến cả nước, tạo đà mạnh mẽ bước vào mùa du lịch năm 2019. Nhân dịp đầu xuân 2019, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định xung quanh vấn đề này.

 

 

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định

 

 

PV: Thưa ông, có thể đánh giá như thế nào về bước phát triển mới của Du lịch Bình Định trong năm 2018 cả về chất và lượng?

 

Giám đốc Nguyễn Văn Dũng:Trong năm 2018, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả khả quan, các chỉ tiêu về du lịch tăng trưởng khá nhanh, làm tiền đề bước vào giai đoạn tăng cường phát triển về chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Năm 2018, Bình Định đón được 4.092.340 lượt khách (trong đó có 286.463 lượt khách quốc tế), tăng 10,6% so với năm 2017; doanh thu du lịch đạt 3.301 tỷ đồng, tăng 54,7% so với năm 2017; lao động du lịch có 6.670 người, tăng 17,2 % so với năm 2017.

 

Công tác thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đẩy mạnh. Có 6 dự án trọng điểm đã hoàn thành và đi vào hoạt động.. Hiện nay, toàn tỉnh có 217 khách sạn, có 36 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch, trong đó có 05 đơn vị lữ hành quốc tế và 31 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa.

 

 

Ngoài ra, một số dự án có quy mô đầu tư lớn đang triển khai như: Giai đoạn 2 dự án Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý (The Coastal Hill) quy mô 1.200 phòng tiêu chuẩn 5 sao; dự án Maia Quy Nhơn Beach khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 4 sao quy mô 755 phòng; Dự án TMS Luxury Hotel & Residence Quy Nhon quy mô 328 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, 740 căn hộ du lịch; Dự án FLC Sea Tower quy mô 280 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, 607 căn hộ du lịch; Dự án khách sạn Ánh Vy; Dự án khách sạn Kim Cúc...

 

Với những kết quả trên, ngành Du lịch Bình Định đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, có tiềm năng phát triển để trở thành kinh tế mũi nhọn. Ðây chính là kết quả cụ thể, sống động của Chương trình hành động phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

 

PV: Bình Định được mệnh danh là: “Trời văn - Đất võ”, với những di tích văn hóa lịch sử, những danh thắng ưu thế về du lịch. Năm 2019, Bình Định sẽ tôn tạo, khai  thác và phát triển tiềm năng vượt trội đó như thế nào để hấp dẫn du khách về với “xứ nẫu” chúng ta, thưa ông?

 

Giám đốc Nguyễn Văn Dũng: Bình Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bên cạnh đó, Bình Định còn có  những ưu thế vượt trội về giá trị tài nguyên du lịch.

 

Với bờ biển dài 134 km, được thiên nhiên ban tặng vô số những thắng cảnh và bãi biển đẹp, đa phần còn nguyên sơ như: Bãi biển Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Hải Giang, Nhơn Lý, Phú Hậu, Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh, Mũi Rồng - Tân Phụng, Tam Quan…

 

Bình Định còn có nhiều lợi thế về du lịch văn hóa - lịch sử cả về phi vật thể lẫn vật thể, trong đó có nhiều di tích văn hóa vô giá như: Thành Đồ Bàn và hệ thống di tích 14 ngôi tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, hết sức độc đáo và đồ sộ nhất Việt Nam. Bình Định tự hào là cái nôi của phong trào Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và là nơi sản sinh, nuôi dưỡng tài năng của nhiều nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam như: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn… Nói đến Bình Định là nói đến một miền đất võ nổi tiếng; cái nôi của nghệ thuật Tuồng độc đáo; Bài chòi Bình Định cùng các tỉnh  Trung bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Năm 2019, nhằm phát triển du lịch bền vững dựa trên việc phát huy thế mạnh và giá trị tài nguyên du lịch, ngành Du lịch Bình Định đã đưa ra những mục tiêu, kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

 

Thu hút 4.747.114 lượt khách du lịch (trong đó có 403.505 lượt khách quốc tế), tăng 16% so với năm 2018; doanh thu du lịch đạt 5.032 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2018.

 

Để thực hiện được kế hoạch đề ra, Du lịch Bình Định cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch Bình Định tại các chương trình sự kiện như: Ngày hội người Bình Định - Tp.HCM 2019; Ngày Hội Du lịch Tp. Hồ Chí Minh 2019; Hội chợ Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019; Hội chợ Quốc tế ITE Hồ Chí Minh 2019; Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2019 và Hội chợ sự kiện năm Quốc gia Khánh Hòa 2019. Tổ chức chương trình giới thiệu điểm đến, phát động thị trường du lịch Bình Định quảng bá trong nước và quốc tế: Chương trình giới thiệu điểm đến du lịch Bình Định tại Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh khu vực phía Bắc; Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ và khu vực phía Nam; Tổ chức và tham gia các chương trình quảng bá giới thiệu “Du lịch Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu” ra nước ngoài theo chỉ đạo của Hội đồng tư vấn phát triển kinh tế tỉnh Bình Định…

 

 Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt động của các hướng dẫn viên trước, trong và sau các kỳ nghỉ Lễ, nhằm chấn chỉnh tình trạng hướng dẫn viên hoạt động chui, người nước ngoài làm hướng dẫn viên tại Việt Nam và lợi dụng hoạt động du lịch để quảng bá sai hình ảnh của du lịch Bình Định; Phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đồng thời kiểm tra điều kiện hoạt động, trang thiết bị, cơ sở vật chất các phương tiện hoạt động trên biển nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho du khách.

 

PV: Trong tất cả các nguyên nhân thành công thì yếu tố con người luôn quyết định. Để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 với vai trò mũi nhọn kinh tế địa phương, ngành Du lịch sẽ đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành như thế nào, thưa ông?

 

Giám đốc Nguyễn Văn Dũng:  Đến thời điểm hiện tại, tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt trên 6.670 người. Triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở Du lịch đã phối hợp các Sở: Nội vụ, Tài chính, Hiệp hội Du lịch, Trường Cao đẳng Bình Định, các cơ quan và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nhiệm vụ.

 

 

Dòng người tắm biển kéo dài từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng

 

Năm 2019, Sở Du lịch Bình Định sẽ tiếp tục tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, cụ thể như sau:

 

Hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Đề cương đã được UBND tỉnh phê duyệt;

 

Khảo sát nhu cầu, tiếp tục xây dựng và thực hiện sâu rộng Kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch năm 2019, trong đó có nội dung nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hình thành đội ngũ chuyên gia du lịch của tỉnh và bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm nghề du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch;

 

Xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ ngoại ngữ cho người lao động trong ngành Du lịch. Trước mắt tập trung đào tạo ngôn ngữ Hàn, Nhật, Trung… để đáp ứng nhu cầu của thị trường khách trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch chủ động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của đơn vị.

 

PV: Xin cám ơn ông và kính chúc ngành Du lịch Bình Định khởi sắc phát triển vượt bậc trong năm 2019.

 

                                                                                      Văn Thuận (thực hiện) 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang