Thứ Năm, 25/04/2024 14:00:17 GMT+7

Tin đăng lúc 08-09-2020

Lượt xem: 1089

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp khởi sắc

Hiện các ngành, lĩnh vực kinh tế của Đồng Tháp đang dần phục hồi, chuyển biến tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội của Đồng Tháp.
Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp khởi sắc
Sản xuất công nghiệp Đồng Tháp đang khởi sắc, lấy lại đà tăng trưởng

Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

 

Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp (DN) tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Nhiều DN, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, từ đó đã ảnh hưởng nặng nề đến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, các DN của Đồng Tháp cũng đã nhanh chóng bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình, tích cực tham mưu và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm duy trì và phát triển sản xuất.


Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,23% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước tăng 9,6% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 8,87% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: Các bộ phận của giày dép bằng da đạt 1,2 triệu đôi, tăng 27,24%; thuốc viên các loại đạt 1.700 triệu viên, tăng 12,32%; miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự đạt 14.000 tấn, tăng 8,4%; thức ăn chăn nuôi đạt 1,5 triệu tấn, tăng 1,83%; gạo xay xát lau bóng đạt 2,35 triệu tấn, tăng 0,66%.

 

Tuy nhiên, một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm hơn cùng kỳ làm ảnh hưởng chỉ số tăng chung của ngành công nghiệp Đồng Tháp như: sản phẩm may mặc đạt 14,5 triệu chiếc, giảm 18,89%; thủy sản chế biến đạt 248.000 tấn, giảm 2,92%...

 

Tạo thuận lợi tối đa cho DN phục hồi sản xuất

 

Theo ghi nhận, từ tháng 5, sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, nền kinh tế Đồng Tháp đã có dấu hiệu phục hồi và chuyển biến tích cực. DN bắt đầu tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương, nỗ lực khôi phục sản xuất.

 

Nhằm tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì thị trường và tạo thuận lợi tối đa cho các DN phục hồi sản xuất, phát triển thị trường trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp.

 

Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng 2 chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, xoài) gắn truy xuất nguồn gốc năm 2020; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp lĩnh vực Công Thương phụ trách năm 2020. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch phát triển ngành cơ khí giai đoạn 2021-2025; Đề xuất việc định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

 

Song song đó, Sở Công Thương Đồng Tháp tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Cụ thể, tham gia chương trình kết nối giao thương giữa DN Đồng Tháp và DN TP. Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng năm 2020; tham gia Tuần hàng đặc sản Việt Nam tại Hà Nội...

 

Sở Công Thương cũng đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam hỗ trợ 16 DN, cơ sở sản xuất xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, quản lý dữ liệu khách hàng trực tuyến. Đồng thời hỗ trợ 64 DN đào tạo, ứng dụng kiến thức về thương mại điện tử vào quản lý sản xuất, tham gia các sàn thương mại điện tử, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến và giải pháp bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam và thế giới năm 2020.

 

Theo nhận định của Sở Công Thương Đồng Tháp, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN tiếp cận thị trường, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Do đó, Sở Công Thương sẽ tăng cường việc phổ biến cho DN Đồng Tháp nắm được lộ trình cam kết trong các FTA… để DN định hướng, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, phát triển đúng hướng.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang