Thứ Bẩy, 20/04/2024 16:02:00 GMT+7

Tin đăng lúc 07-12-2020

Lượt xem: 1065

Động lực phát triển kinh tế Tiền Giang

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là những động lực phát triển kinh tế Tiền Giang thời gian tới.
Động lực phát triển kinh tế Tiền Giang

Theo thông tin từ UBND tỉnh Tiền Giang, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 của tỉnh là 5.268,4 tỷ đồng, tăng 36,9% so với thực hiện năm 2019 và chiếm 27,1% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

 

Về đích

 

Tính đến hết tháng 11/2020, ước tổng khối lượng thực hiện 4.820 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch, tăng 67,4% so cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tiền Giang nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tỉnh đang phấn đấu sẽ đạt 100% kế hoạch giải ngân trong năm nay.

 

Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Kết quả tích cực trên nhờ các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh sớm hoàn tất khâu chuẩn bị thực hiện đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu; tập trung cao giải phóng mặt bằng; điều chuyển mạnh kế hoạch vốn năm 2020. Tỉnh cũng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thi công trình, dự án…

 

Một dự án trọng điểm là Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, diện tích 10 ha, quy mô 1.000 giường, cao 10 tầng, tổng kinh phí xây dựng 2.350 tỷ đồng, đang gấp rút về đích. Đơn vị thi công cam kết thực hiện đúng tiến độ được giao, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9/2021, rút ngắn 2 tháng so với hợp đồng thi công. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hạn chế tình trạng bệnh nặng chuyển viện lên tuyến trên.

 

Bên cạnh đó, 12 Sở trực thuộc tỉnh đã di dời về làm việc tại trụ sở mới. Dự kiến trong thời gian tới, diện tích đất còn lại sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động 3 trụ sở, gồm: Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang. Đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng thêm các trụ sở các cơ quan hành chính của tỉnh và các đơn vị sự nghiệp năm 2021.

 

Việc đầu tư trụ sở làm việc của 12 sở, ngành gắn với Trung tâm Phục vụ hành chính công là một dấu ấn trong cải cách hành chính của tỉnh, nhằm phục vụ người dân tốt hơn… Đồng thời thực hiện phương châm kiện toàn kết cấu hạ tầng giao thông đi trước một bước, nhằm mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trong năm 2020, tỉnh huy động trên 2.073 tỷ đồng triển khai thi công 373 công trình giao thông trên địa bàn, trong đó có 465 tỷ đồng đầu tư 354 công trình giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

Cùng với đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Tiền Giang là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

 

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong tháng cuối năm 2020, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trong đó tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Tỉnh cũng sẽ tổ chức Hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững. Dự kiến, trong tháng 12 này, tỉnh sẽ thu hút thêm 07 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.647 tỷ đồng. Như vậy, tính cả năm 2020 tỉnh sẽ thu hút 37 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 16.546 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2019.

 

Về lâu dài, ông Hưởng cho biết: Tiền Giang sẽ hoàn thành công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thuê tư vấn nước ngoài có uy tín để xây dựng quy hoạch tỉnh; kịp thời công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, dự án mời gọi đầu tư, đất đai, chính sách ưu đãi.... Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp tạo quỹ đất để phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

 

Bên cạnh đó, Tiền Giang tiếp tục cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa tối đa các thủ tục liên quan đến công tác đầu tư, phát triển doanh nghiệp; thực hiện theo quy chế liên thông, qua mạng, rút ngắn thời gian giải quyết; phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Ngoài ra, Tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện tốt và đạt tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án mời gọi đầu tư mà thời gian qua tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm quý, để sớm triển khai các dự án đầu tư, đây là khâu quan trọng và mất nhiều thời gian.

 

Trong 11 tháng qua, Tiền Giang đã thu hút được 30 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư mới 9.969,8 tỷ đồng, tăng 05 dự án, vốn đầu tư đăng ký bằng 79,8% so với cùng kỳ 2019; có 08 dự án đăng ký tăng vốn 929,2 tỷ đồng, nâng tổng vốn thu hút đầu tư 11 tháng đạt 10.899 tỷ đồng.

 

Như vậy, lũy kế đến 11/2020, các Khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 108 dự án đầu tư; trong đó có 77 dự án đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư là 53.883 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 2.316 triệu USD. Diện tích đất cho thuê của các doanh nghiệp 562/758 ha, đạt 74% diện tích đất 3 Khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 5.627 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 88,7/120,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 73,4% của 5 Cụm công nghiệp đang hoạt động.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang