Thứ Bẩy, 20/04/2024 02:35:41 GMT+7

Tin đăng lúc 17-01-2021

Lượt xem: 1020

Dồn lực chống hàng giả, hàng nhái

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề cũng là lúc nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng tình hình thị trường có nhiều biến động để gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Trước thực tế đó, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã huy động toàn lực, đẩy mạnh hoạt động chống hàng giả, hàng nhái.
Dồn lực chống hàng giả, hàng nhái
Các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái nhằm mang lại một cái Tết an toàn cho người dân

Gia tăng hoạt động gian lận thương mại

 

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp với Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổng cục Quản lý thị trường) tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang - Cụm công nghiệp Ninh Hiệp (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) do ông Nguyễn Anh Quyết làm chủ, phát hiện cơ sở đang sử dụng máy may, máy vắt sổ để sản xuất quần áo có gắn nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci... (đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam).

 

Trước đó, ngày 26-10-2020, Đội 4, Phòng PC03 Công an Thành phố Hà Nội phát hiện bà Thạch Thị Tân (xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm) có hành vi buôn bán bột ngọt giả một nhãn hiệu nổi tiếng. Tang vật thu giữ gồm 690 gói bột ngọt giả, 180 vỏ bao bì chưa sử dụng và 45kg bột ngọt không có nhãn mác. Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Thạch Thị Tân và đồng phạm về tội buôn bán hàng giả.

 

Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái “lũng đoạn” thị trường.

 

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng tình hình thị trường có nhiều biến động để gia tăng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đối với một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, thuốc lá, rượu bia... Thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên - phụ liệu, linh kiện, bao bì, tem nhãn. Hàng giả sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó bán sang địa phương khác để đóng gói thành phẩm. Đáng chú ý, khi thương mại điện tử phát triển, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, giao nhận hàng hóa thông qua bên thứ ba là dịch vụ chuyển phát nhanh, đồng thời liên tục thay đổi nội dung, địa chỉ trên website hoặc tài khoản mạng xã hội nên rất khó xác định chủ thể vi phạm...

 

Nỗ lực để có một cái Tết an vui

 

Nhằm đảm bảo tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nâng cao trách nhiệm chỉ đạo công tác quản lý ATTP của các cấp, các ngành, ngày 8-12-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về bảo đảm ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân 2021.

 

Theo đó, ở cấp thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP, trong đó Đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện Sóc Sơn, Tây Hồ, Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Cầu Giấy; Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn, thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm; Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn, thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì; Đoàn 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn, thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Đình, Hoài Đức. Cùng với đó, các địa phương sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP cấp quận, huyện, thị xã.

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác quản lý ATTP nông sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối để nhân dân đón Tết an toàn. Hiện đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, cung cấp các mặt hàng thiết yếu thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm, hơn 1.400 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể, 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.

 

Để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ông Trần Việt Hùng cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xác định trọng tâm là công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán hàng lậu, hàng cấm (pháo, thuốc lá), thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thực phẩm nhập lậu (thịt lợn, bò, gia súc, gia cầm, hải sản các loại...), rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thuốc lá, quần áo thời trang... nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa bảo đảm chất lượng, góp phần bình ổn thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021.

 

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội còn chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung quản lý tốt địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng.

 

Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiên quyết “nói không” với tình trạng bày bán công khai rượu không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa nhập lậu; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết để đầu cơ găm hàng, tăng giá, trà trộn đưa ra lưu thông hàng kém chất lượng.

 

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra khoảng 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Sở; kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự kiện xúc tiến thương mại trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở sẽ tiến hành kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã về công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2021; tổ chức kiểm tra kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như kiểm tra việc chấp hành quy định về giá hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn...

 

Có thể thấy, “cuộc chiến” chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đang được các lực lượng chức năng nỗ lực thực hiện nhằm đem đến cho người dân một cái Tết an vui. Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của các cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái một cách hiệu quả, cần sự vào cuộc tự giác của các hộ kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, chủ động phát hiện, tố giác các đối tượng, cơ sở buôn lậu. Người dân cần thể hiện quan điểm “nói không” với hàng giả, hàng nhái; nên mua sắm ở những điểm kinh doanh uy tín... Đó chính là hành động thiết thực nhằm góp phần chống nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.


Theo Hanoimoi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang