Thứ Sáu, 29/03/2024 02:44:44 GMT+7

Tin đăng lúc 25-01-2020

Lượt xem: 9708

Doanh nhân tài ba, quốc gia thịnh vượng

“Nhiệm vụ và sứ mệnh của các DN, doanh nhân trong thời gian tới là hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Chính phủ luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho DN, để DN, doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới”, Người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần nhắn nhủ các DN.
Doanh nhân tài ba, quốc gia thịnh vượng
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Sovico Holdings và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu giới thiệu HDBank tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng

Từ những hội nghị “Diên hồng”…

 

Còn nhớ, chỉ ít ngày sau khi nhậm chức vào năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại với DN tư nhân cả nước tại Dinh Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh). Nhiều người ví đây là hội nghị “Diên hồng” mà Chính phủ tổ chức để lắng nghe ý kiến DN tư nhân cho con đường phát triển. Một năm sau, hội nghị “Diên hồng” được tổ chức lần hai. Một lần nữa Thủ tướng tiếp tục lắng nghe toàn bộ kiến nghị của doanh nhân để rồi ngay buổi chiều là cuộc họp kín với các bộ ngành để tháo gỡ các vấn đề vướng mắc. Thủ tướng chia sẻ: Nếu ví cả nền kinh tế như một cỗ máy, thì kinh tế tư nhân đóng vai trò “động cơ” chủ lực để kéo cả cỗ máy tiến lên phía trước. Nói như vậy để thấy vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển của đất nước.

 

Mới đây, khi phát biểu trước đông đảo doanh nhân tại “Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan Chính phủ tháo gỡ hơn nữa về thể chế tạo điều kiện cho khối tư nhân phát triển. Song ông cũng mong muốn kinh tế tư nhân trong nước phải có khát vọng để vươn tầm quốc tế.

 

Lần đầu tiên, vào tháng 7/2019, Việt Nam đã công bố Sách trắng về DN. Chưa bao giờ Việt Nam có một cuộc thống kê đầy đủ về bức tranh DN như thế. Sách Trắng Việt Nam lần đầu được công bố cũng cho thấy một bức tranh DN với đầy đủ các gam màu. Trong đó, đặc biệt ấn tượng với gam màu sáng từ khối kinh tế tư nhân. Từ chỗ nền kinh tế chủ yếu là DNNN, đến nay, DN tư nhân đã đóng góp khoảng 42% vào GDP (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) và tạo ra ngày càng nhiều việc làm. Năm 2019, số lao động trên 15 tuổi đang làm việc cho khu vực tư nhân chiếm 83,3%, khoảng 45,2 triệu người. Kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới.

 

Nếu năm 2010, vốn tư nhân chỉ chiếm 36,1% thì đến năm 2018 đã tăng lên 43,27%. Chỉ tính riêng năm 2018, vốn đầu tư của khối tư nhân là 803.000 tỷ đồng. Theo thống kê, hiện tại đã có 29 DN Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Trong số đó có 9 DN tư nhân đang có giá trị vốn hóa khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị của 29 DN lớn nhất trên sàn chứng khoán. Việt Nam cũng đã có những tỷ phú USD đầu tiên như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Trần Bá Dương (Thaco), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan)...

 

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi giai đoạn này là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của DN trong lịch sử”. Ông nhấn mạnh chưa bao giờ số lượng DN thành lập mới lại nhiều như thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lượng và quy mô DN thành lập mới liên tiếp đạt mức kỷ lục. Trung bình mỗi năm có gần 123.000 DN gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Số DN đã tăng 49,3% về số lượng và 156% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó.

 

… và sứ mệnh doanh nhân

 

Chẳng ai nghĩ Quảng Ninh sẽ có một sân bay quốc tế Vân Đồn do tư nhân xây dựng. Cảng hàng không này đã trở thành một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam. Đó là bước tiến lớn khi tận dụng được kinh tế tư nhân tham gia một lĩnh vực khó mà xưa nay ai cũng nghĩ chỉ Nhà nước mới làm được.

 

Hay như vùng đất Cát Hải của Hải Phòng đã thay đổi hoàn toàn khi trở thành một trong những "cứ điểm" sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước sau chưa đầy 2 năm trở thành nơi đặt nhà máy sản xuất ôtô thương hiệu Việt đầu tiên - VinFast với vốn đầu tư 4,2 tỷ USD. Đến dự lễ khởi công và khánh thành nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng từ "kỳ tích" để biểu dương cho nỗ lực của DN đối với sự phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

 

Hàng không cũng là ngành mang đậm dấu ấn của các DN tư nhân. Kể từ khi bắt đầu cất cánh vào cuối năm 2011, Vietjet Air đã giúp định vị lại ngành này và vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ hai Đông Nam Á. Vietjet cũng nổi tiếng trên thị trường thế giới với hàng loạt hợp đồng mua máy bay trị giá lên đến cả chục tỷ USD.

 

 

Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn SunGroup đầu tư xây dựng

 

Có thể kể ra đây rất nhiều dự án lớn và khó, mang dấu ấn các DN tư nhân cũng đã được hình thành nhiều năm qua. Có thể kể đến một số dự án hạ tầng như hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng… Nhiều DN sản xuất của tư nhân cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp lớn vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm. Một số DN khác thì vươn ra tầm quốc tế, có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Không phủ nhận những đóng góp của khu vực tư nhân đối với nền kinh tế cũng như sự phát triển vượt bậc của khu vực này cả về số lượng lẫn chất lượng. Mặc dù Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi... Song theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, năng lực của DN Việt cũng mới chỉ được xếp ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động cũng chưa cao so với các nước trong khu vực. Vì vậy, nâng cấp DN đang trở thành yêu cầu bức thiết.

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Trong bối cảnh thế giới đang bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cấp DN phải được thực hiện trên cả hai bình diện là phát triển bền vững và chuyển đổi số. Các DN phải nỗ lực nâng cấp mình và chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để phát triển bền vững và cạnh tranh thắng lợi vì “màu cờ, sắc áo Việt Nam”.

 

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận sự tăng trưởng vừa qua chủ yếu vẫn dựa trên khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và vốn đầu tư. Trong khi hiện những lợi thế truyền thống này đang dần bị cạn kiệt, đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số và sự phát triển của khoa học, công nghệ. Do vậy, nền kinh tế nước ta vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Để có thể đưa đất nước phát triển bứt phá và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, trong đó phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam là nòng cốt.

 

“Nhiệm vụ và sứ mệnh của các DN, doanh nhân trong thời gian tới là hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Chính phủ luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho DN, để DN, doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới”, Người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần nhắn nhủ các DN.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang