Thứ Năm, 25/04/2024 05:33:58 GMT+7

Tin đăng lúc 28-11-2022

Lượt xem: 399

Doanh nghiệp Việt hướng về thị trường nội địa

Lạm phát tăng cao, đơn hàng xuất khẩu tiếp đà giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải liên tục cân nhắc, có động thái điều chỉnh sản xuất, khai thác và tận dụng triệt để thị trường trong nước từ giờ đến cuối năm 2022.
Doanh nghiệp Việt hướng về thị trường nội địa
Doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực điện tử chú trọng khai thác thị trường nội địa dịp cuối năm. Ảnh: L.NHI

Tìm cách chinh phục "sân nhà"

 

Xu hướng quay lại khai thác thị trường nội địa là điều tất yếu giúp nhiều doanh nghiệp ổn định sản xuất khi thị trường xuất khẩu hàng hoá gặp nhiều biến động.

 

Phía Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) mới đây xác nhận, nhiều doanh nghiệp trong ngành này đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh.

 

Cụ thể, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỉ USD và mục tiêu 16 tỉ USD trong năm 2022 sẽ khó chạm đến khi đơn hàng liên tục giảm mạnh.

 

Đơn hàng xuất khẩu tại thị trường truyền thống là Mỹ và Châu Âu đã giảm tới 70% nên Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng đang phải linh hoạt thay đổi chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, nâng tỉ lệ hàng trong nước lên 30% tổng sản phẩm trong năm nay.

 

Trước thực trạng đơn hàng suy giảm, doanh nghiệp này cũng đã cố gắng bám sát thông tin thị trường, theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh của khách hàng để có ứng biến phù hợp, đồng thời phát triển thêm các thị trường mới như Canada, Australia.

 

Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 10.2022 do S&P Global công bố cũng cho thấy, bức tranh kém sắc của ngành sản xuất, xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh. Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…

 

Theo ông Andrew Harker - Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, dữ liệu PMI tháng 10 cho thấy những dấu hiệu về tình trạng suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam, khi cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều kém nhất trong 13 tháng.

 

Linh hoạt xoay xở khi thị trường biến động

 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lạm phát gia tăng đã đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào giảm phát, kéo theo tiêu dùng giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Các ngành xuất khẩu tỉ USD trong nước sẽ còn phải đối mặt với xu hướng bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục khi các quốc gia tăng cường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước họ.

 

Bộ Công Thương mới đây cũng vừa đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm 2022, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động, linh hoạt ứng phó, tận dụng từng cơ hội để mở rộng xuất khẩu. Lạm phát tăng cao, khiến người dân toàn cầu đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm...

 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) định hướng, giải pháp đầu tiên của doanh nghiệp là thay đổi kết cấu thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp và Vitas đang nỗ lực khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là một hướng đi mới của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn và rào cản vẫn hiện hữu khi quay lại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải linh hoạt tận dụng rất tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại đã có để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá cuối năm.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang