Thứ Sáu, 29/03/2024 09:37:40 GMT+7

Tin đăng lúc 25-07-2019

Lượt xem: 1518

Doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vừa mới đây là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA)... Trong bối cảnh kinh tế trong nước đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì việc tuân thủ các cam kết về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu là việc làm hết sức cấp thiết của mỗi doanh nghiệp để đứng vững trên thương trường.
Doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập
Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tiếp thị thành công một loạt sản phẩm, giúp xác định hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp (DN) và cũng là nhân tố chính trong chiến lược tiếp thị của DN. Đồng thời, nó cũng tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho DN thông qua việc thu phí chuyển quyền sử dụng kiểu dáng cho người khác hoặc thông qua chuyển nhượng kiểu dáng được đăng ký. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tài sản hữu hình của DN chỉ chiếm khoảng ¼ tổng giá trị tài sản của DN. Điều đó có nghĩa là tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của DN chiếm đến ¾ tổng giá trị tài sản của DN. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu chính là “chìa khóa” giúp DN tự bảo vệ tài sản của mình và đảm bảo sự độc quyền được sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó của DN trên thị trường, quan trọng hơn là sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

 

Có thể thấy, tầm quan trọng và lợi ích của việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu là rất rõ ràng, bên cạnh đó, các quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu dành cho các DN Việt cũng đã có. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu so với số lượng DN Việt Nam còn khá khiêm tốn, nhiều DN còn chưa thực sự coi trọng vấn đề này.

 

Thực tế đã cho thấy, thời gian qua, tình hình gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ, internet… đã kéo theo sự xuất hiện những tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, nhiều DN có nhãn hiệu nổi tiếng đã bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Không chỉ vậy, nhiều nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam như: Kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thuốc lá Vinataba, võng xếp Duy Lợi,… khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài cũng đã bị các thương gia nước ngoài giành quyền đăng ký bảo hộ ở nước ngoài trước để sử dụng cho hàng hóa của họ lưu thông trên thị trường quốc tế. Hậu quả là các DN Việt phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để giành lại nhãn hiệu, trong số đó, nhiều trường hợp đã không thể đòi lại được nhãn hiệu của mình.

 

 

Biến sở hữu trí tuệ thành công cụ kinh doanh hiệu quả

 

 Lý giải về thực trạng này, có ý kiến cho rằng, do Việt Nam có nhiều DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên vấn đề về thương mại hóa sản phẩm chưa được nhiều. Các kênh tiêu thụ vẫn còn hạn chế mà chủ yếu theo con đường thương lái. Do đó, các DN thường không chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho mình ngay từ ban đầu. Còn theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: "Để xảy ra tình trạng trên là do các DN Việt có tài sản sở hữu trí tuệ song lại chưa quan tâm hoặc không quan tâm nhiều đến việc bảo hộ. Kết quả là DN phải trả giá đắt bằng việc bị đánh cắp kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của mình. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài thì việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa là yêu cầu song hành của các DN trong giai đoạn hiện nay".

 

Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của các hệ thống sở hữu trí tuệ mang tính cốt lõi của thế giới như Công ước Paris, Công ước Rome, Công ước Berne, Công ước Stockholm và hiện Việt Nam cũng đang trong quá trình gia nhập công ước LaHay về đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho DN Việt Nam, trong đó, Việt Nam đã có những cam kết rất cao, thậm chí là cao nhất liên quan đến sở hữu trí tuệ. Với việc tham gia vào các Hiệp định, Thỏa ước quốc tế này sẽ giúp cho việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài của các DN Việt được đơn giản hóa, giảm thời gian và chi phí. Chính vì vậy, nếu không muốn đánh mất lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, các DN trong nước cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nói riêng.

 

Việt Nam đã cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế quy định về sở hữu trí tuệ, vì vậy, các DN Việt Nam một mặt phải cam kết tôn trọng sở hữu trí tuệ của các DN khác, mặt khác cũng phải quan tâm hơn nữa tới quyền sở hữu trí tuệ của mình. Để làm được điều này, trước tiên DN cần nắm rõ những thông tin về điều kiện và từng bước thực hiện để vận dụng hiệu quả, nhất là hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tạo thành từ các luật sở hữu trí tuệ quốc gia và quy trình thủ tục, trên cơ sở đăng ký bảo hộ để đạt được sự bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu quốc tế, kiểu dáng công nghiệp… Cùng với đó, cần nắm vững cách vận hành của các hệ thống quốc tế để sử dụng thành thạo và hiệu quả hệ thống này.

 

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, đặc biệt là khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, để đứng vững được ngay trên “sân nhà” và cả “sân khách”, các DN Việt Nam phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm ưu việt hơn sản phẩm ngoại cùng loại khác, đặc biệt, phải chú trọng, đầu tư nghiêm túc vào việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong cuộc chơi này, nếu DN nào tận dụng tốt lợi thế của sở hữu trí tuệ để áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì DN đó sẽ đảm bảo được sự phát triển bền vững của mình. Tất nhiên, cùng với sự nỗ lực của DN thì việc đồng hành cùng DN trong việc cung cấp thông tin, hành trang cho DN về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan quản lý nhà nước là hết sức cần thiết./.

 

Minh Vũ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang