Thứ Tư, 24/04/2024 20:11:22 GMT+7

Tin đăng lúc 05-09-2019

Lượt xem: 4800

Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Lễ phát động Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" diễn ra ngày 3/9 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế
Bấm nút khai trương trang website của Cuộc vận động

Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế

 

Cuộc vận động nhằm khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, đặc biệt là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước.

 

Phát biểu buổi lễ, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, chính họ biết hơn ai họ cần gì, cơ chế, chính sách nào để họ có thể hoạt động tốt nhất và đóng góp thiết thực, hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế đất nước.

 

 

Ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Lễ phát động Cuộc vận động

 

Ông Nguyễn Văn Bình cũng đồng thời đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” bởi đây là hành động thiết thực của doanh nghiệp, doanh nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trong Cuộc vận động này, mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, quy mô lớn hay nhỏ, ở trong hay ngoài nước, của Nhà nước hay tư nhân đều được Ban Tổ chức Cuộc vận động trân trọng tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII”, ông Nguyễn Văn Bình nêu rõ.

 

Tạo đà cho doanh nghiệp bứt phá

 

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách mà chính họ phải có tiếng nói và tham gia vào quá trình hoàn thiện, xây dựng các cơ chế, chính sách. Chỉ có như vậy thì các cơ chế, chính sách mới phản ánh kịp thời, sát nhất với thực tiễn cuộc sống, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Chính vì lẽ đó, Lễ phát động Cuộc vận động là một việc làm cụ thể để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 5.

 

Cho rằng doanh nghiệp, doanh nhân góp ý xây dựng thể chế chính sách phát triển kinh tế không phải là việc làm mới, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Suốt hành trình cải cách hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay với Đảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

 

 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Dẫn những sáng kiến như 'ba phần kế hoạch trong xí nghiệp công nghiệp', 'khoán sản phẩm trong nông nghiệp' trong những năm đầu của hành trình cải cách, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá: Sự gặp gỡ giữa ý Đảng với lòng dân, sự sáng tạo của doanh nghiệp và người dân là nguồn lực vô tận cho sự phát triển của đất nước.

 

Dù vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” được phát động lần này vẫn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới.

 

Người đứng đầu VCCI đánh giá: Từ trước đến nay Đảng đã luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, có thể là qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc. Chính quyền các cấp, bộ ngành cũng có nhiều cuộc lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Việc cải cách thể chế không phải là chuyện riêng của Đảng, Nhà nước mà cả người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiểu hơn ai hết đời sống kinh doanh và sẽ là người hiến kế trong cải cách. Đây cũng chính là hội nghị Diên Hồng để doanh nghiệp, người dân có thể hiến kế với Đảng phát triển kinh tế. “Chúng ta quyết đạt mục tiêu trong 2-3 năm tới phải đạt chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh và chất lượng cạnh tranh nằm trong nhóm nền kinh tế hàng đầu. Đó là bước đi đầu tiên của bước đột phá trong giai đoạn tới”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

Theo Ban Tổ chức, thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất từ hôm nay đến 31/12/2019, Lễ tôn vinh và trao giải dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang