Thứ Sáu, 29/03/2024 18:32:52 GMT+7

Tin đăng lúc 03-06-2020

Lượt xem: 1137

Doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà mang mối lo mới

Sau hơn 9 tháng chờ đợi, Chính phủ đã ban hành mức giá mua bán điện mặt trời mới.
Doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà mang mối lo mới
Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 22-5 là cú hích cho điện mặt trời mái nhà phát triển.

Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 22-5 là cú hích cho điện mặt trời mái nhà phát triển. Nhiều nhà đầu tư đã tính toán tiếp tục đầu tư để hưởng mức giá mới.

 

Tuy nhiên, do thời hạn áp dụng giá mua bán cố định mới sẽ kéo dài trong 20 năm nhưng chỉ áp dụng cho các dự án đấu nối, vận hành thương mại đến hết ngày 31-12-2020, các doanh nghiệp sẽ phải chạy đua để được hưởng mức giá vừa ban hành.

 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên cơ sở Quyết định 13, các tổng công ty điện lực sẽ thực hiện ký hợp đồng mua điện và thanh toán tiền điện đối với các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã chốt chỉ số công-tơ để bắt đầu giao nhận điện và thanh toán tiền điện từ ngày 1-7-2019. Để tạo thuận lợi cho người dân, trong thời gian chờ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện, Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản cho phép tạm thời sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu hiện hành để ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư đã đưa vào vận hành sau ngày 30-6-2019.

 

Các chuyên gia năng lượng đánh giá ĐMTMN giúp giảm chi phí tiền điện hằng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm hoặc giảm giá mua điện bậc cao. Bên cạnh đó, tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện không sử dụng cho EVN. Hệ thống điện còn được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu nên giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải.

 

PGS-TS - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng phát triển ĐMTMN sẽ giúp giải tỏa phần nào áp lực cho cung ứng điện thời gian tới. Theo ông Long, chính sách, giá mua điện đã được chốt nên người dân hoàn toàn yên tâm để đầu tư lắp đặt. Thống kê của EVN cho thấy lũy kế đến nay, cả nước đã phát triển 27.631 dự án ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 562,8 MWp. Trong 4 tháng đầu năm, các công trình ĐMTMN đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 137,1 triệu KWh.

 

Ngành điện cho biết hiện trình tự thủ tục đấu nối và mua ĐMTMN rất đơn giản, được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán. "EVN xác định rõ việc hỗ trợ phát triển ĐMTMN là một trong những giải pháp quan trọng bởi đây là nguồn cung cấp điện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao" - lãnh đạo EVN cho hay.

 

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Vũ - giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng (Source Energy) - cho biết riêng với giá điện mặt trời trên mái nhà, dù không cao như kỳ vọng, song các hộ dân vẫn có thể lắp đặt bởi giá mua bán điện không giảm quá sâu trong khi chi phí thiết bị đã hạ so với trước.

 

Riêng doanh nghiệp của ông đã lắp theo dạng hình thức đầu tư bán lên lưới, công suất lắp đặt 100kW từ cuối năm ngoái, đến nay đã phát lên lưới 25.000kWh.

 

Ông Vũ nhận định giá mới sẽ vẫn thúc đẩy làn sóng đầu tư điện trên mái nhà ở hình thức hộ dân lẫn các cao ốc, mái nhà xưởng.

 

Tuy vậy, ông Vũ đánh giá quyết định có hiệu lực từ ngày 22-5 và kéo dài đến cuối năm, tức thời gian thực hiện chỉ còn hơn 7 tháng sẽ rất khó cho các nhà đầu tư lẫn các doanh nghiệp muốn lắp trên mái nhà xưởng. Theo ông Vũ, hiện nay tình hình dịch đang còn tiếp diễn đã ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt thiết bị, đặt hàng nhập khẩu.

 

Tương tự, ông Vũ Đình Khánh - giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng HIGG - cũng cho rằng hiện nay nhu cầu lắp đặt điện mặt trời của người dân rất cao. Từ tháng 8-2019 đến nay, doanh nghiệp của ông đã lắp đặt hơn 100 công trình điện trên mái nhà, tổng công suất lắp đặt khoảng 1,5MW dù chưa có giá mới. Số lượng công trình sẽ thực hiện ngay sau khi có giá mới này cũng rơi vào khoảng 3,5MW và doanh nghiệp này dự kiến đầu tư hơn 10MW công suất lắp đặt ở các tỉnh.

 

Tuy vậy, ông Khánh cho rằng cái khó hiện nay là số lượng thiết bị chỉ đủ cho vài chục kWp, nếu nhiều hơn DN phải đặt hàng và thời gian trung bình 20-30 ngày mới có. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, thời gian đặt hàng có thể kéo dài hơn trong khi thời gian hưởng chính sách khuyến khích chỉ kéo dài đến ngày 31-12 là khá ngắn.

 

Chính sách đã có, ông Khánh đánh giá thị trường lắp đặt điện mặt trời ở miền Nam sẽ sôi động trở lại và đây sẽ là cuộc chạy đua nước rút để hoàn thành trước khi chính sách hết hiệu lực.

 

Ông Thái Huy Đức - giám đốc Công ty CP đầu tư Điện Xanh - cũng cho rằng công ty của ông sẽ dồn nguồn lực phát triển các dự án điện áp mái đã lên kế hoạch nhằm kịp hưởng giá ưu đãi, và ông Đức dự đoán giai đoạn này sẽ sôi động không kém thời điểm trước 30-6 năm ngoái.

 

Tuy vậy, ông Đức cũng băn khoăn đến đầu năm 2021 khi chính sách hết hiệu lực, các doanh nghiệp điện mặt trời sẽ làm gì và phát triển ra sao bởi chính sách rất ngắn hạn, trong khi thời gian chờ ban hành chính sách mới kéo dài rất nhiều tháng.

 

Trong khi đó, ông Phạm Hữu Hiển - giám đốc Công ty CP Đầu tư năng lượng Bình Phước - cho rằng người dân cần thận trọng khi đầu tư điện mặt trời trên mái nhà và tính toán kỹ tính hiệu quả. Theo ông Hiển, những đối tượng có thể đầu tư điện mặt trời đó là những hộ dân sử dụng nhiều điện vào ban ngày hoặc các nhà máy, cao ốc văn phòng hoặc các nhà xưởng.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang