Thứ Năm, 25/04/2024 17:45:41 GMT+7

Tin đăng lúc 16-04-2020

Lượt xem: 1134

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần tận dụng điều gì thời đại dịch Covid-19?

Tính đến thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới còn diễn biến khá phức tạp, khiến rất nhiều doanh nghiệp sản xuất dự kiến giảm doanh thu và tỷ lệ tăng trưởng khá sâu, thậm chí rơi vào tình trạng đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản. Tuy nhiên, tại một số lĩnh vực nhất định, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại có cơ hội gia tăng các đơn đặt hàng từ các đối tác liên doanh, FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước,…
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần tận dụng điều gì thời đại dịch Covid-19?
Các doanh nghiệp phụ trợ cần tận dụng cơ hội khách hàng tìm đến mùa đại dịch Covid 19

Theo các chuyên gia kinh tế cho biết, do phụ thuộc nguồn cung cấp các thiết bị phụ trợ, nguyên nhiên phụ liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… bị tạm dừng vì đại dịch Covid-19, nhiều nhà sản xuất công nghiệp các lĩnh vực tại Việt Nam đã mở rộng tìm kiếm nguồn cung thiết bị, nguyên nhiên phụ liệu từ các doanh nghiệp phụ trợ trên khắp mọi vùng miền dải đất hình chữ S cũng như các quốc gia khác. Tại Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn trên cả nước - nơi có các nhà máy, khu công nghiệp lớn nhỏ, khi diễn biến dịch bệnh còn kéo dài, một số doanh nghiệp cho biết đã lên kế hoạch chuyển hướng tìm thêm nguồn cung ở những thị trường ngay tại Việt Nam,… Ở lĩnh vực sản xuất dệt may, Da giày, điện tử, nhựa…, nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm mọi cách để thoát cảnh đói nguyên liệu. Một doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp chế biến cho hay, bên cạnh việc mở rộng nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng tôi đặt hàng doanh nghiệp trong nước…

 

Với tình thế đó cho thấy, đây chính là dịp tốt để các đơn vị, doanh nghiệp phụ trợ tận dụng cơ hội khẳng định mình về mọi mặt hoặc tích lũy kinh nghiệm, đánh giá lại mình, hoàn thiện nhanh chóng các khâu sản xuất nhằm hòa nhập, tăng khả năng cạnh tranh khi có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất.

 

Bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, tỉ lệ doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không cao. TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp cải thiện nên dịp này phải nắm bắt cơ hội khi các doanh nghiệp đa quốc gia đặt hàng doanh nghiệp Việt. Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực kết nối để đẩy nhanh quy trình, từ phát phiếu đăng ký đến các doanh nghiệp phụ trợ theo đơn hàng của doanh nghiệp lắp ráp đến đánh giá năng lực; khảo sát thực tế và kết nối chuyên gia từ công ty mẹ, hướng dẫn cho doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam.

 

Ông Hà Quyết Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Kim Long (Cụm Công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội) – một Đơn vị phụ trợ về gia công sản phẩm cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại  cho hay, những ngày qua công nhân của Kim Long phải tăng tốc sản xuất, làm thêm giờ để đảm bảo thời hạn giao hàng cho khách hàng. Đặc biệt, lượng đơn hàng đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

Ông Thắng nhấn mạnh, để gia tăng số lượng và chất lượng đơn hàng, doanh nghiệp phải đầu tư thêm trang thiết bị sản xuất. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có thể tăng thêm lợi nhuận mà còn giúp khẳng định tên tuổi, chất lượng với các đối tác FDI. Mong rằng, sau đợt đại dịch này, đây là cơ hội tốt để việc hợp tác cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục diễn ra và mở rộng hơn, đồng thời tận dụng cơ hội để kiện toàn doanh nghiệp trên nhiều phương diện...

 

Để sản xuất thiết bị, phụ tùng, linh kiện CNHT, các doanh nghiệp phụ trợ cũng cần phải có nguyên liệu sắt thép, bông vải, nhựa cũng như nhiều loại nguyên nhiên phụ liệu khác. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã cung ứng được lượng thép khá lớn ra thị trường, nhưng còn một số chủng loại vẫn phải nhập khẩu. Đây cũng là mối lo ngại cho các doanh nghiệp phụ trợ. Hơn nữa, nếu dịch bùng phát mạnh hơn, thì nguồn hàng trong nước cũng sẽ không đủ cho sản xuất ở nhiều loại ngành hàng. Ngoài ra, bên cạnh việc tận dụng cơ hội gia tăng đơn hàng, các doanh nghiệp phụ trợ cũng cần phải đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cùng với Nhà nước và cộng đồng nhằm việc cung ứng được ổn định.

 

Hiện nay, theo thống kê của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT đang chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp vẫn thiếu và yếu về quy mô và năng lực, các sản phẩm chủ yếu là linh phụ kiện đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Đây là điều mà các doanh nghiệp phụ trợ cần hết sức lưu ý để nhanh chóng kiện toàn doanh nghiệp trong công cuộc phát triển lâu dài…

 

Hà Đăng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang