Thứ Năm, 28/03/2024 18:40:57 GMT+7

Tin đăng lúc 22-08-2021

Lượt xem: 1545

Doanh nghiệp cảnh báo nguy cơ vốn ngoại rời đi nếu kéo dài giãn cách

Sau 30 năm Việt Nam thành công thu hút nhiều vốn FDI, mùa dịch này khiến lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lo lắng rất lớn khi dòng vốn ngoại có thể sẽ rời đi nếu giãn cách kéo dài.
Doanh nghiệp cảnh báo nguy cơ vốn ngoại rời đi nếu kéo dài giãn cách
Intel Vietnam “bay” 140 tỉ đồng sau 30 ngày áp “1 cung đường - 2 địa điểm”.

Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam cho biết, doanh nghiệp có 86% người lao động đã tiêm mũi vaccine đầu tiên, đang áp dụng mô hình "một cung đường hai địa điểm" cho 1.870 người lao động.

 

Tuy nhiên, duy trì sản xuất đã khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí lớn, chi phí phát sinh từ việc đảm bảo phòng chống dịch trong giai đoạn 15/7-15/8 khoảng 140 tỷ đồng. Nếu tính tới ngày 15/9, con số trên có thể tăng gấp đôi.

 

Do đó, Intel mong sau ngày 15/9, TP.HCM sẽ dừng giãn cách khi tình hình sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn.

 

Theo bà Uyên, sau 30 năm Việt Nam thành công thu hút nhiều vốn FDI, mùa dịch này khiến lãnh đạo Intel lo lắng rất lớn khi dòng vốn ngoại có thể sẽ rời đi nếu giãn cách kéo dài.

 

Cùng quan điểm, Công ty Jabil Việt Nam cho biết, nhiều đối tác đã chuyển đơn đặt hàng sang một số nước khác như Trung Quốc, Singapore... khi Jabil Việt Nam không đáp ứng được tiến độ. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, công ty sẽ phải thu hẹp hoạt động tại Việt Nam.

 

Jabil Việt Nam cũng đang áp dụng "một cung đường, hai địa điểm" cho 2.500 lao động. Chi phí mỗi tháng cho mô hình này khoảng 120 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ hoạt động với công suất dưới 30% nên bị hụt 60 triệu USD doanh thu xuất khẩu mỗi tháng.

 

Lo ngại này của các doanh nghiệp cũng đã được ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhắc tới trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ mới đây. Theo đó, khảo sát do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã phối hợp với Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) thực hiện mới đây cho thấy, đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đều tham gia sâu vào hoặc đứng đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp có sản lượng lớn ở Việt Nam sự suy giảm mạnh quy mô hoặc tạm dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất đang gây những xáo trộn lớn.

 

“Các tập đoàn này đang theo dõi sát tình hình Việt Nam và trên thế giới, thường xuyên cập nhật lại các tính toán để ứng phó, trong đó có các khả năng giãn, giảm kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, thậm chí giảm sản lượng ở Việt Nam để điều chuyển sang cơ sở sản xuất ở các nước khác”, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ.

 

So với các nền kinh tế châu Á khác – kể cả đang có dịch với chủng Delta, hiện nay Việt Nam đang đóng cửa các doanh nghiệp lâu hơn rất nhiều. Các nhà cung cấp của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc được hoạt động trở lại sau từ 7 – 10 ngày với quy trình khoa học, chặt chẽ. Ở Việt Nam hiện nay theo hướng dẫn của một số địa phương, quy trình này lâu gấp đôi, từ 2 – 3 tuần. Một số địa phương phía Nam hiện nay còn chưa có quy trình, chưa hướng dẫn được cho doanh nghiệp. 

 

Về khả năng cắt giảm quy mô hoặc đóng cửa, ông Vũ Tú Thành cho biết, doanh nghiệp đang cân nhắc tùy thuộc vào thời gian đóng cửa chống dịch. “Đa số doanh nghiệp cho biết, nếu kéo dài từ 2 tháng trở lên, khả năng cắt giảm quy mô trong 12 – 18 tháng tới khá cao, ở thang 4/5. Một số doanh nghiệp cho biết, nếu kéo dài đến 6 tháng, khả năng đóng cửa hoàn toàn là có thực, ở thang 5/5”, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhấn mạnh. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp hy vọng thời gian đóng cửa không kéo dài đến 6 tháng và hiện chưa tính đến phương án đóng cửa ở Việt nam.

 

Từ thực tế trên và xem xét kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhận định: “Các nước đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vắc xin cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài”.

 

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề nghị, cần cổng thông tin quốc gia thống nhất về các chính sách, biện pháp, quy trình chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp. Thông tin phải được cập nhật thường xuyên, trình bày khoa học, dễ hiểu, dễ tra cứu, dễ đánh dấu và sao lưu, chia sẻ điện tử. Việc phát hành các văn bản giấy và bản scan ồ ạt cả ở cấp trung ương và địa phương như hiện nay rất khó theo dõi.

 

Đồng thời, sớm xây dựng và công bố lộ trình mở cửa dần trở lại với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo khu vực với các mốc thời gian cụ thể. Các mốc thời gian này có thể điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế, nhưng bắt buộc phải đặt ra để doanh nghiệp có cơ sở lên kế hoạch sản xuất kinh doanh

 

Bố trí đủ nhân lực, ngân sách, phương tiện cho đội ngũ hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương, coi đây là nhiệm vụ quan trọng như cứu người ở tầng cao nhất trong điều trị bệnh nhân COVID.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang