Thứ Năm, 18/04/2024 19:06:14 GMT+7

Tin đăng lúc 12-05-2019

Lượt xem: 4374

Để kinh tế tư nhân bứt phá trong thời kỳ mới

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển cả về chất và lượng, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình phát triển của thành phần kinh tế này vẫn đối mặt với không ít rào cản, chưa thể phát huy hết tiềm năng.
Để kinh tế tư nhân bứt phá trong thời kỳ mới
Khu vực kinh tế tư nhân trong những năm gần đây đã có những bước phát triển cả về chất và lượng

Thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

 

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.Đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ra đời, khu vực tư nhân Việt Nam (VN) như được tiếp thêm sức mạnh để gánh vác sứ mệnh là một động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước.

 

Nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân VN đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, không chỉ tạo đối trọng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực. Điển hình như Vingroup (hoạt động đa ngành nghề); Sungroup (hoạt động đa ngành nghề); Vietjet Air (vận tải hàng không); Tập đoàn TH (sản xuất sữa); Thaco Trường Hải (công nghiệp ô tô); Tập đoàn Hòa Phát (công nghiệp thép)… với nhiều dự án đầu tư quan trọng, tạo sức bật mới cho các địa phương cũng như cho sự tăng trưởng của kinh tế đất nước.

 

Mặc dù về chủ trương, đường lối, khu vực KTTN đã được “cởi trói” và có những bước tiến, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều rào cản về nhận thức, môi trường kinh doanh, thực thi pháp luật, sự bất bình đẳng, … làm cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế quan trọng này.

 

Thống kê của Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cộng đồng kinh tế tư nhân hiện đang có hơn 700.000 DN, 96% trong số đó là DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; 2% DN có quy mô vừa; 2% DN có quy mô lớn. Tại Diễn đàn “Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019” diễn ra vào tháng 3 vừa qua, PGS. TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mặc dù thời gian gần đây, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ như: Vingroup, Hòa Phát, Trường Hải, SunGroup… song số lượng ít ỏi của các DN lớn chưa đủ làm xoay chuyển bức tranh tổng thể của khu vực KTTN. Bởi, đóng góp GDP chủ yếu hiện nay vẫn là từ thành phần kinh tế nhà nước (28%) và kinh tế hộ gia đình (32%), nhưng đây lại là 2 lực lượng “có vấn đề” nhất về năng lực. Khu vực hộ gia đình là lực lượng nhỏ bé, manh mún, trong khi kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn, nợ xấu nhiều, tiêu phí nhiều tài nguyên và nguồn lực quốc gia. Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm DN vừa chứng tỏ DN tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành DN lớn, ông Thiên nhấn mạnh.

 

 

Về phía cộng đồng DN, đa số đều cho rằng, nền kinh tế nước ta đã có những cải thiện rõ rệt, DN được thụ hưởng nhiều lợi ích thông qua việc cải cách, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ DN phát triển. Song, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN tư nhân.

 

Để kinh tế tư nhân bứt phá

 

Phải khẳng định rằng, chưa khi nào DN tư nhân Việt Nam lại có nhiều cơ hội như bây giờ, khi mà kinh tế trong nước đang đón nhận những tác động tích cực từ việc hiện thực hóa Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay EVFTA… Khi tham gia các sân chơi này, cơ hội nhiều cũng đồng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thách thức mà DN Việt phải đối mặt.

 

Để biến những thách thức thành cơ hội cho DN Việt Nam, nhất là khối DN tư nhân, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, điều quan trọng nhất chính là cả chính sách và DN phải hướng đến cái mới. Các DN Việt cần nhanh chóng “tư duy lại, thiết kế và xây dựng lại”, ưu tiên và tận dụng nguồn lực để bắt kịp với sự chuyển dịch công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để phát triển. Đặc biệt, các DN cần phải chủ động trong mọi cuộc chơi trên thương trường một cách hợp pháp và có trách nhiệm, không nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ.

 

PGS.TS Trần Đình Thiên thì đề xuất, Việt Nam cần hai chiến lược trọng tâm là: Chiến lược khoa học công nghệ, khẩn trương xây dựng khung pháp lý nền tảng cho sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Xây dựng chiến lược phát triển DN Việt cho giai đoạn mới, trong đó, nền tảng là DN tư nhân và trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế. Thừa nhận và bảo đảm bằng luật sự bình đẳng của các khu vực kinh tế trong các chính sách, cơ chế quản lý và ứng xử. Thừa nhận KTTN là động lực phát triển quan trọng, thay đổi quan niệm "cổ phần hóa DN nhà nước", chuyển nó thành quan niệm "tư nhân hóa" và xúc tiến đẩy nhanh quá trình này.

 

 

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để khu vực KTTN bứt phá trong thời gian tới, trước hết cần tập trung nhóm giải pháp về hoàn thiện lý luận và thống nhất nhận thức. Tiếp đó là tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tham gia sâu vào quá trình cổ phần hóa DN nhà nước; Được hưởng ưu đãi khi tham gia vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới; Có giải pháp đột phá để chấm dứt cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần phân nhóm đối tượng của khu vực KTTN để có các giải pháp, chính sách phù hợp.

 

Phía cộng đồng DN thì mong muốn rằng, trong bối cảnh cạnh tranh ở cấp độ cao và các kịch bản kinh tế đang thay đổi mạnh mẽ, bên cạnh sự bứt phá về thể chế thì cần sự bứt phá cả về con người, làm sao để cộng đồng DN VN, đặc biệt là cộng đồng DN tư nhân có được nhiều hơn sự quan tâm từ phía các cơ quan nhà nước./.

 

Quỳnh Anh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang