Thứ Sáu, 19/04/2024 06:02:31 GMT+7

Tin đăng lúc 05-02-2015

Lượt xem: 6840

“Để công nghiệp Việt Nam là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế”

Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2014, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, với hàng loạt Đề án Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, phụ trợ; Quy hoạch phát triển công nghiệp các tỉnh, thành phố... được phê duyệt, ban hành.
“Để công nghiệp Việt Nam là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế”
TS. Viện trưởng Dương Đình Giám

Bên cạnh đó, Viện cũng đã tổ chức nhiều Hội thảo, hội nghị... thu hút được các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất có giá trị, góp phần thiết thực để các cơ quan Nhà nước, các bộ ngành, địa phương quan tâm, xây dựng, hoạch định chính sách cho phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, của các địa phương. Nhân dịp năm mới và đón Xuân Ất Mùi 2015, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với T.S Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương).

 

PV: Năm 2014, có thể coi là năm “bội thu” của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương khi hoàn thành một loạt các Đề án Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp từ quốc gia tới các ngành, nghề, lĩnh vực, vậy Tiến sĩ có thể giới thiệu khái quát những hoạt động chính cuả Viện trong năm qua?

 

TS. Dương Đình Giám: Trong năm qua, Viện đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ngành soạn thảo, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt một số Chiến lược, Quy hoạch và đề án quan trọng, có liên quan đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam trong những năm tới, như: Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Quan trọng hơn là Viện đã hoàn thành nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và tổng hợp Báo cáo “Tổng kết 30 năm đổi mới (Chuyên đề Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước)” để báo cáo Hội đồng Lý luận Trung ương, phục vụ cho công tác tổng kết lý luận; và Báo cáo “Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 (lĩnh vực công nghiệp – thương mại) phục vụ soạn thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới.

 

Ngoài ra, Viện cũng đã phối hợp với các cơ quan, hoàn thành một số đề án quan trọng khác, như: Đề án Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2014 – 2020; Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh: điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và dịch vụ liên quan; Chiến lược CNH của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản (Phần công nghiệp ô tô) hướng đến năm 2020; Nghị định của Chính phủ về Phát triển công nghiệp hỗ trợ…

 

Các đề án này đang được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

PV: Xin Tiến sĩ cho biết, nét mới trong việc xây dựng các Đề án, chiến lược, quy hoạch mà Viện đã hoàn thành, đặc biệt là Chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia, quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ?

 

TS. Dương Đình Giám: Điểm mới trong việc xây dựng các Đề án, chiến lược và quy hoạch là về cách thức xây dựng. Trước đây, khi xây dựng các chiến lược hay quy hoạch, chủ yếu là trao đổi giữa các cơ quan quản lý các cấp (trung ương, địa phương, các bộ, ngành liên quan) và cơ quan tư vấn. Bây giờ, nhận thức lại là các chiến lược, quy hoạch sau khi được ban hành thì đối tượng thực hiện lại là các doanh nghiệp, cho nên khi soạn thảo các chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là các cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện trước khi ban hành cần phải được tham vấn cộng đồng doanh nghiệp.

 

Người ta thường nói, “đưa chính sách vào cuộc sống”, nhưng nếu các chính sách ấy không phù hợp thì doanh nghiệp không cần các chính sách ấy và chính sách không thể đi vào cuộc sống được. Cho nên bây giờ cần nhận thức lại là “đưa cuộc sống vào chính sách”. Tức là, xuất phát từ các định hướng và mục tiêu mà các cơ quan quản lý đặt ra, thì cần phải có hệ thống cơ chế chính sách phù hợp đi kèm. Mà muốn có cơ chế chính sách phù hợp, thì cách tốt nhất mà nhiều quốc gia đã và đang làm là phải tham vấn cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đối tượng chính chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cơ chế, chính sách này.

 

Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, tham vấn thường gặp nhiều khó khăn, một mặt, có thể do tính chủ quan của các cơ quan quản lý và cơ quan tư vấn trong việc xây dựng chính sách. Nhưng mặt khác, các doanh nghiệp lại thường có xu hướng dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước, muốn Nhà nước tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, còn bản thân thì ít nỗ lực vươn lên. Do vậy, cái quan trọng nhất của người tư vấn chính sách là phải điều hòa được mối quan hệ giữa 2 bên: Doanh nghiệp và Nhà nước với phương châm Nhà nước chỉ tạo cơ hội, còn ưu đãi thì phải theo đúng thực lực (các nguồn lực của Nhà nước) và các cam kết quốc tế. Nếu đề ra nhiều cơ chế ưu đãi quá mà không có thực lực, không hỗ trợ được doanh nghiệp, thì các ưu đãi đó chỉ dừng ở trên giấy. Điều cần nhấn mạnh là, Nhà nước chỉ tạo ra cơ chế chính sách phù hợp để thu hút đầu tư của xã hội từ mọi thành phần kinh tế để phát triển, chứ các nguồn lực của nước thường có hạn nên việc hỗ trợ cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chính vì vậy, có những chiến lược, quy hoạch khi xây dựng, chúng tôi đã phải tham vấn đi, tham vấn lại rất nhiều lần cộng đồng doanh nghiệp.

 

Ảnh minh họa

 

PV: Để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược, quy hoạch đã được Nhà nước ban hành, theo Tiến sĩ, các cấp, các ngành và địa phương cần có giải pháp gì?

 

TS. Dương Đình Giám:  Mỗi chiến lược, quy hoạch được ban hành thì liên quan đến một số địa phương và ngành kinh tế cụ thể. Tuy nhiên, có những chiến lược, quy hoạch khi ban hành lại liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều địa phương. Điều quan trọng nhất là sau khi mỗi chiến lược, quy hoạch được ban hành, thì các cấp, các ngành, các địa phương phải làm gì để triển khai được quy hoạch… Trên thực tế, các chiến lược, quy hoạch thường có mối liên hệ với nhau, vì vậy, khi một chiến lược hay quy hoạch mới được ban hành thì các địa phương cần phải rà soát lại các quy hoạch liên quan.

 

Ví dụ, Chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia có liên quan đến tất cả các địa phương. Nội dung của Chiến lược đã chỉ ra là phải xác định được vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm. Trong đó, vùng công nghiệp lõi là phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, vùng công nghiệp đệm sẽ nhận sự dịch chuyển các ngành công nghiệp không ưu tiên từ vùng công nghiệp lõi và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho vùng công nghiệp lõi. Việc đầu tiên mà các cơ quan quản lý cần làm là xác định, địa phương nào thuộc vùng lõi, địa phương nào thuộc vùng đệm. Trên cơ sở đó, các địa phương vùng lõi sẽ xác định mình sẽ lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên nào để phát triển và sẽ dịch chuyển các ngành công nghiệp nào ra vùng đệm; còn các địa phương vùng đệm thì xác định mình cần phải làm những gì để thu hút sự dịch chuyển của các ngành công nghiệp từ vùng lõi và làm gì để có thể tham gia vào các cụm liên kết ngành để phát triển công nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho các ngành công nghiệp của địa phương vùng lõi.

 

PV: Từ thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện các nội dung đề án, chiến lược, Viện trưởng thấy đâu là những khó khăn, trở ngại và làm thế nào để giúp cho cơ quan nghiên cứu hoàn thành tốt nhiệm vụ?

 

TS. Dương Đình Giám: Trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch và đề án, cơ quan tư vấn thường gặp mấy khó khăn sau:

 

Khó khăn thứ nhất là trong việc thu thập thông tin.  Thông thường, các thông tin về ngành, do doanh nghiệp bây giờ thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, nên các cơ quan quản lý thường khó nắm được. Chúng tôi thường phải liên hệ với các hiệp hội ngành nghề. Tuy nhiên, không phải hiệp hội nào cũng hoạt động tốt và có dữ liệu đầy đủ về các thành viên của mình. Ngoài ra, các thông tin về vùng (bao gồm nhiều địa phương), thường được tổng hợp từ các cục thống kê địa phương lên, mặc dầu có mức độ chi tiết hơn các số liệu từ Tổng cục Thống kê, nhưng số liệu thường “vênh” với các số liệu của Tổng cục nên rất khó khăn trong việc đánh giá, nhận định.

 

Khó khăn thứ hai phải kể đến là công tác dự báo. Do còn hạn chế về phương pháp, công cụ và cả nhân lực… nên công tác dự báo trong các chiến lược, quy hoạch mới chỉ dừng lại ở phương pháp định tính (phân tích, tổng hợp và lấy ý kiến chuyên gia). Nếu có được các phương pháp định lượng, với công cụ mạnh hơn (các mô hình toán), thì kết quả dự báo sẽ có độ tin cậy cao hơn. Tuy nhiên, để làm được việc này lại rất cần một hệ thống số liệu đầy đủ và có độ tin cậy cao.

 

Khó khăn thứ ba là, các nội dung cần quy hoạch thì nhiều, nhưng tư duy xây dựng quy hoạch của một số cấp quản lý vẫn theo hướng kế hoạch hóa tập trung mà thực tế là phải theo quan điểm thị trường; thêm vào đó là hệ thống chính sách thường không rõ ràng hoặc có độ ổn định thấp, nên một số quy hoạch được ban hành, nhưng ít có tác dụng. Điều đó buộc phải đổi mới tư duy trong xây dựng quy hoạch và đặc biệt là phải nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn để từ đó nâng cao chất lượng của các chiến lược, quy hoạch./.  

Xin cảm ơn Tiến sĩ, Viện trưởng!

 

Lê Thương (Thực hiện)


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang