Thứ Năm, 25/04/2024 13:27:59 GMT+7

Tin đăng lúc 20-04-2023

Lượt xem: 444

Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu

Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Vân (sinh năm 1996; ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam giới.
Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu
Đối tượng và tang vật vụ bán thực phẩm chức năng giả cho nam giới

Trước đó, tổ công tác Công an quận phát hiện nam thanh niên điều khiển xe máy nhãn hiệu Wave Alpha, biển kiểm soát 17B7-177.27 chở 1 thùng bìa đang dừng đỗ tại khu vực trước cổng nghĩa trang Kiều Mai, có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện có 100 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe XTra Man không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

 

Từ lời khai của Phạm Bá Đ (sinh năm 1993; ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) về việc nhận đơn vận chuyển hàng qua ứng dụng Be đi giao cho khách tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cơ quan điều tra triệu tập Bùi Thị Vân và khám xét khẩn cấp nơi ở tại phường Định Công, quận Hoàng Mai. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ 244 hộp Xtra Man gồm 182 hộp dạng viên uống và 62 hộp dạng xịt.

 

Tại cơ quan điều tra, Vân khai nhận, nắm được nhu cầu của thị trường, đã nảy sinh ý định tìm các nguồn hàng khác nhau qua các hội nhóm trên mạng xã hội. Từ đây, Vân đã liên hệ với bên bán là một người sử dụng tài khoản Zalo “C. Phương. Sỉ Sli” (không biết tên tuổi, địa chỉ) để lấy các sản phẩm thuốc uống dạng viên và dạng xịt nhãn hiệu Xtra Man. Mặc dù biết đây là hàng giả, nhưng do nguồn lợi nhuận quá lớn nên Vân vẫn mua bán kiếm lời, nếu bán trót lọt sẽ thu lời bất chính khoảng 300 triệu đồng.

 

Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận đang tiếp tục điều tra, xác minh, truy xuất địa điểm các đối tượng đã bán các loại thuốc trên và đang triệu tập đối tượng liên quan trong đường dây buôn bán hàng giả để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Liên quan đến việc đấu tranh với hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 2635/VPCP-V.I ngày 17/4/2023 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.

 

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến chỉ đạo như sau:

 

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị theo kiến nghị của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại văn bản nêu trên.

 

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025"; trong đó cần phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 17).

 

Tại Văn bản số 60/BC-VPTT ngày 05/4/2023, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã kiến nghị Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các vấn đề sau:

 

Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 17; Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện Chỉ thị, chủ động dự báo sát tình hình, đề ra những giải pháp trọng tâm trong thời gian tiếp theo, tiếp tục rà soát xử lý những khó khăn vướng mắc, tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý triệt để các vi phạm đối với nhóm mặt hàng điều chỉnh của Chỉ thị 17; chú trọng thanh tra, kiểm tra công vụ, làm tốt công tác tổ chức cán bộ không để tiếp tay, móc nối, bảo kê cho mọi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu tiếp tục xử lý những khó khăn, vướng mắc: Tiếp tục rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành thay thế, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với nhóm mặt hàng chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người.

 

Nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của hệ thống kiểm nghiệm nhà nước, các cơ sở kiểm tra chất lượng đặc biệt là nhóm mặt hàng điều chỉnh của Chỉ thị 17, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cả về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị và nguồn kinh phí được bố trí đảm bảo; chủ động đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền phát hiện xử lý kịp thời mọi sai phạm. Phối hợp các ngành, lực lượng chức năng đặc biệt các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, kịp thời đưa ra các khuyến cáo, dấu hiệu nhận biết đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo hệ thống đài, báo phối hợp các cơ quan chức năng tăng thời lượng, dung lượng đẩy mạnh phổ biến kiến thức, tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan nhóm mặt hàng điều chỉnh tại Chỉ thị 17; chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo của các đơn vị phát hành quảng cáo, đặc biệt đối với thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; nghiên cứu kiểm soát tổng đài điện thoại được thiết lập giả danh bác sỹ, dược sỹ để tư vấn bán các mặt hàng giả, kém chất lượng trên không gian mạng. Đánh giá phân tích tình hình, đưa ra dự báo sát hợp, đề xuất giải pháp xử lý triệt để vi phạm của các trang thông tin điện tử, trang cá nhân trên mạng xã hội.

 

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện chỉ đạo của Trưởng Ban để tổng hợp báo cáo kịp thời.

 

Thế Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang