Thứ Bẩy, 20/04/2024 08:05:15 GMT+7

Tin đăng lúc 21-04-2020

Lượt xem: 1161

Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh: Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025

Trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2019, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhiều chỉ số tăng điểm, tăng hạng được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, thuế, thanh tra, cấp phép, nhất là các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, không phù hợp vẫn còn gây khó khăn và phiền hà cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh: Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025
Cắt giảm ĐKKD, cải cách TTHC là cởi trói cho người dân và DN

Vẫn tồn tại sự thiếu nhất quán và chồng chéo

 

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, chúng ta đã không chỉ cắt giảm được nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không hợp lý, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, mà các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp (DN) cũng đã được tiếp nhận và giải quyết một cách kịp thời, thấu đáo, góp phần giảm thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN. Tinh thần cải cách và những hành động cụ thể của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã thực sự lan tỏa, được cộng đồng DN ghi nhận và đón nhận.

 

Theo báo cáo từ các bộ ngành, tính đến hết năm 2019 đã cắt giảm và đơn giản hóa được hơn 50% số ĐKKD, đạt yêu cầu mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, các nghiên cứu rà soát độc lập của nhiều tổ chức cho thấy, kết quả cắt giảm thực chất mới đạt hơn 30%, còn lại là những cải cách, cắt giảm chỉ mang tính hình thức. Thực tế triển khai của các bộ ngành chủ yếu chỉ là đơn giản hóa, cắt giảm về số lượng chứ không xem ĐKKD đó có thực sự cần thiết hay không để giữ lại hay cắt bỏ.

 

 

Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn ĐKKD, TTHC

 

Kết quả rà soát của VCCI phối hợp với các cơ quan chức năng cho thấy, trong 20 văn bản luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đầu tư của DN, có tới 25 điểm chồng chéo lớn như: Chưa thống nhất về điều kiện cấp giấy phép; Không rõ về thẩm quyền cấp giấy phép, đôi khi cả 2 cơ quan có cùng thẩm quyền về cùng một vấn đề; Chưa có sự thống nhất về hồ sơ xin cấp giấy phép; Chưa có sự thống nhất về thời gian thực hiện thủ tục hành chính… Ngoài ra, những khái niệm quy định trong các luật cũng khác nhau; Không có sự nhất quán giữa luật chuyên ngành và luật chung, luật ban hành trước, luật ban hành sau…

 

Đơn cử, có những ĐKKD rất khó lý giải như: Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp là đảm bảo diện tích ít nhất 6m2/người đối với đào tạo trình độ trung cấp và 8m2/người đối với đào tạo trình độ cao đẳng. Với điều kiện như vậy, chuyên gia đặt câu hỏi rằng, phải chăng người học cao đẳng to hơn người học trung cấp nên cần diện tích ngồi lớn hơn? Hay quy định về trình độ người đứng đầu DN cũng gây nhiều khó khăn cho các DN kinh doanh đa ngành nghề từ nhiều năm nay…

 

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta đang đối mặt với một bất cập lớn, đó là sự thiếu nhất quán, sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khiến các nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, hay liệu có phải thực hiện thủ tục đó không. Sự chồng chéo này cũng khiến các cơ quan quản lý tại địa phương lúng túng, không biết phải hướng dẫn và quyết định như thế nào. Do đó, một trong những vấn đề trọng tâm trong cải cách thể chế trong thời gian tới là cần tập trung giải quyết những nút thắt, những điểm chồng chéo của hệ thống pháp luật này, ông Lộc nhấn mạnh.

 

Cần hành động như thế nào để việc cắt giảm thực chất hơn?

 

Theo TS.Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần mạnh tay cắt bỏ những ĐKKD, không cho phục hồi những ĐKKD cũ. Bởi chỉ khi dứt khoát bãi bỏ ĐKKD không phù hợp, các cơ quan quản lý nhà nước mới tư duy khác về công cụ quản lý và tìm cách thay đổi, từ đó tạo điều kiện để thực thi cam kết mà Chính phủ đưa ra là giảm chi phí cho DN. Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát được những văn bản mới ban hành, bởi những cái mới ra đời thậm chí còn phức tạp hơn những cái đã bỏ đi.Ngoài ra, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin cũng là giải pháp hiệu quả trong việc cắt giảm ĐKKD và các TTHC đối với DN.

 

 

Chỉ số nộp thuế có điểm tăng mạnh nhờ ứng dụng CNTT, giúp DN nộp thuế dễ dàng hơn

 

 

Cũng có ý kiến thì cho rằng, để việc cắt giảm được thực chất, một mặt cần nghe kiến nghị từ cộng đồng DN thông qua các hiệp hội DN. Mặt khác, cần nhìn ra các nền kinh tế khác, nhất là các nền kinh tế đang phát triển, có trình độ như chúng ta nhưng có tốc độ phát triển nhanh, có năng lực cạnh tranh cao để học tập.

 

Vừa qua, Chính phủ đã lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Đây là một Nghị quyết mới với nội dung là cụ thể hóa Nghị quyết 02 về cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Dự thảo Nghị quyết này, việc cắt giảm sẽ mang ý nghĩa rộng hơn, tức là cắt giảm tất cả các quy định gây cản trở cho DN trong hoạt động kinh doanh. Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết này là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ; Cắt giảm được 25 điểm mâu thuẫn chồng chéo và ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm cho DN. Nghị quyết đi vào thực hiện được kỳ vọng sẽ tiếp tục “cởi trói” cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tạo ra động lực, tạo ra một làn sóng kinh doanh, đầu tư mới trong nền kinh tế.

 

Năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu tăng hạng môi trường kinh doanh lên 10 bậc, trong đó, cải cách thực chất các quy định, ĐKKD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc ban hành ra những chính sách tốt và quyết tâm cao của Chính phủ thì sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành trong việc thực hiện với những cải cách toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực là điều quan trọng vô cùng quan trọng.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang