Thứ Bẩy, 20/04/2024 09:35:33 GMT+7

Tin đăng lúc 03-11-2016

Lượt xem: 2847

Đảng bộ huyện Cao Phong: Định hướng đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới phát triển bền vững

Từ một huyện thuần nông có mức thu nhập khiêm tốn, với điểm xuất phát thấp, song được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Cao Phong đã nỗ lực vượt khó với mục tiêu lãnh đạo, phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao và du lịch dịch vụ, mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo động lực thúc đẩy năng suất lao động và chất lượng cao trong cơ cấu kinh tế, đưa Cao Phong tiến mạnh, tiến vững chắc, trở thành huyện khá của tỉnh.
Đảng bộ huyện Cao Phong: Định hướng đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới phát triển bền vững
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ 27, nhiệm kỳ 2015-2020

Phát huy truyền thống đoàn kết và sức mạnh nội lực, Đảng bộ, chính quyền huyện Cao Phong đã tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đồng thời tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả đó được khẳng định bằng thành tựu phát triển nông nghiệp của huyện trong những năm qua, từ khi một ha cây có múi đạt trên 100 triệu đồng/năm (năm 2011) thì nay đã đạt trên 500 triệu đồng/ha với tốc độ tăng trưởng bình quân kinh tế 5 năm giai đoạn 2010 – 2015 đạt 13,14%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội), cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 48%, công nghiệp 27%, dịch vụ 25%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 27 triệu đồng/người/năm, đạt 112,5% so với Nghị quyết Đại hội.

 

Xác định nông nghiệp là chủ lực, huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chương trình về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, lĩnh vực nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, huyện đã định hướng phát triển các loại cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích.

 

Đảng bộ tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa với 2 cây trồng chủ lực là cây có múi và cây mía. Năm 2014, đã hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong và định hướng cho nông dân sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGap, Thương hiệu cam, mía tím Cao Phong đã được khẳng định trên thị trường trong nước, đi vào đời sống thường nhật của người tiêu dùng, có sức lan tỏa mạnh và nâng tầm thương hiệu đặc sản của Cao Phong.

 

Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp của huyện trong những năm qua cũng đã có nhiều cố gắng thu hút đầu tư và phát triển các ngành nghề có thế mạnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là khai thác khoáng sản, gia công đồ dân dụng, sản xuất đồ mộc... Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện bình quân mỗi năm tăng 17%, với 2 cụm công nghiệp đã được quy hoạch gồm Tây Phong và Thung Nai, trong đó cụm công nghiệp Tây Phong đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích 17,3ha.

 

Hoạt động thương mại, dịch vụ không ngừng được mở rộng, cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức lưu chuyển, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng năm tăng 25%; làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ cá thể và doanh nghiệp dịch vụ phát huy cao nhất khả năng kinh doanh. Trên địa bàn huyện hiện có 3 chợ đạt chuẩn nông thôn mới và hoạt động khá hiệu quả, các ngành dịch vụ như cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật... phát triển tốt, đã đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

 

Cam Cao Phong sắp đến kỳ thu hoạch

 

Lĩnh vực du lịch đã được quan tâm đầu tư: Tập trung thu hút xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch, xây dựng chùa Quoèn Ang, đền Thượng Bồng Lai, đặc biệt là quần thể hang động Núi Đầu Rồng, chùa Khánh, tạo điều kiện tốt nhất để khai thác các điểm du lịch như: Du lịch bản Mường, Giang Mỗ (xã Bình Thanh), đền Thác Bờ (xã Thung Nai). Doanh thu từ lĩnh vực du lịch tăng nhanh, góp phần tăng thu cho ngân sách huyện. Hàng năm, huyện đã đón và phục vụ khoảng 133.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế là 2.600 lượt, khách du lịch nội địa đạt 130.000 lượt... Huyện còn tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về phát triển các thành phần kinh tế, từng bước đổi mới quan hệ sản xuất. Tính đến năm 2015, toàn huyện có 12 hợp tác xã, 22 doanh nghiệp, 510 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, chủ yếu trong các lĩnh vực kinh doanh tổng hợp.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt, công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện, phong trào xây dựng Nông thôn mới được đông đảo mọi tầng lớp trong nhân dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, đã có 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch (trong đó có 9 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết, 3 xã hoàn thành quy hoạch chung). Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả cao, đã huy động được nhiều nguồn lực trong cộng đồng dân cư để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Tổng số nguồn vốn huy động được là 252 tỷ đồng, qua đó, giúp bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới. Năm 2014, xã Dũng Phong là xã đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến hết năm 2015 có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 12,5 tiêu chí/xã, tăng 7,5 tiêu chí so với năm 2010.

 

Từ nhận thức rõ KHKT có tầm quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng KT-XH và tăng năng suất lao động trong sản xuất, nên huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khoa học bám sát các mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện. Phát huy vai trò của Hội đồng khoa học, hàng năm huyện đã chi 1,5 tỷ đồng để chuyển giao, áp dụng tiến bộ KH-KT, xây dựng các mô hình trình diễn, góp phần tích cực phát triển kinh tế, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Được sự quan tâm của tỉnh, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2947/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện. Chuyển giao kỹ thuật, vận dụng tiến bộ KH-KT mới vào sản xuất cây có múi cho nhân dân, góp phần nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Xây dựng thành công và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong hoạt động của UBND huyện và các phòng, ban cơ quan huyện, đảm bảo nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành các hoạt động chuyên môn chung.

 

Định hướng trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện Cao Phong đã xác định, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động mọi nguồn lực để phát triển KT-XH, đưa Cao Phong trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, coi trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, trọng tâm là cây có múi và cây công nghiệp, gắn với đẩy mạnh thu hút, đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ trở thành vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Với quyết tâm cao của lãnh đạo huyện, tinh thần đoàn kết thống nhất của mọi tầng lớp nhân dân, cùng chung tay nỗ lực thực hiện mọi nhiệm vụ và sự quan tâm của Trung ương, Nhà nước, tỉnh Hòa Bình, chắc chắn rằng, Cao Phong sẽ có nhiều đột phá mới, vươn lên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh trong thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Phương Lan 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang