Thứ Sáu, 29/03/2024 14:33:55 GMT+7

Tin đăng lúc 27-06-2021

Lượt xem: 1020

Đà Nẵng: Mở đường cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Đà Nẵng đã thu hút được một số dự án đầu tư có quy mô lớn, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá trị tăng thêm của ngành CNHT đóng góp ngày càng cao trong giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo thành phố. Đà Nẵng đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm mở đường cho sự phát triển của ngành CNHT.
Đà Nẵng: Mở đường cho phát triển công nghiệp hỗ trợ
Sản xuất các thiết bị cơ khí chính xác tại Nhà máy Tokyo Kieki (Nhật Bản) đóng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng thu hút được 24 dự án CNHT mới với tổng vốn đăng ký đạt 9.040 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện hàng không, linh kiện ô tô với tổng vốn đăng ký đầu tư là 240 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Đà Nẵng là khoảng 110 doanh nghiệp, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp toàn thành phố. Đó là những thành tựu đáng ghi nhận cho thấy sức phát triển và tiềm năng to lớn của ngành CNHT tại Đà Nẵng với trọng tâm là các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

 

Dù ngành công nghiệp Đà Nẵng có bước phát triển nhanh chóng, song vẫn còn thiếu các ngành CNHT phục vụ cho công nghiệp chủ lực. Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế bởi số lượng doanh nghiệp CNHT ít, năng lực sản xuất thấp, thiếu nguồn tài chính và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nên chủ yếu chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp, còn sản phẩm CNHT của Đà Nẵng chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

 

Một ví dụ điển hình là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Đà Nẵng. Phần lớn doanh nghiệp CNHT trong nước chỉ cung ứng sản phẩm, linh kiện để lắp ráp ô tô trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, chỉ từ 7 đến 10%. Do đó hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô còn lại vẫn do các công ty mẹ, hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi thông thường, để hoàn thiện lắp ráp một chiếc xe ô tô phải cần từ 30 - 40 nghìn linh kiện.

 

 

Đà Nẵng đang có những chính sách mở đường để thu hút những doanh nghiệp CNHT chất lượng trong khu công nghệ cao

 

Nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế ấy, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách gỡ nút thắt cho ngành CNHT. Ngày 30/10/2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển CNHT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Đà Nẵng xác định rõ ràng ba trụ cột phát triển của ngành công nghiệp thành phố là: Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và CNHT. Nghị quyết này chính đã đề ra các nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển CNHT thành phố một cách tương đối toàn diện và đúng hướng.

 

Trên tinh thần quán triệt Nghị quyết, các sở, ban, ngành thành phố đang tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm như: Hoàn thiện quy hoạch và xúc tiến đầu tư xây dựng để sớm đưa vào hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới nhằm bảo đảm quỹ đất cho thu hút đầu tư; xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Việc hỗ trợ hình thành các phòng thí nghiệm, sản xuất thử nghiệm sản phẩm CNHT công nghệ cao tại các phân khu nghiên cứu và phát triển trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cũng được ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài nước để kết nối cung cầu sản phẩm CNHT và thu hút các dự án đầu tư mới về sản xuất CNHT.

 

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết: “Để đưa ra được các giải pháp căn cơ, trước hết phải có cái nhìn đúng đắn về bản chất của lĩnh vực CNHT. Đó là chuỗi sản xuất trong các chuyên ngành công nghiệp đi từ nguyên vật liệu đầu vào, các sản phẩm trung gian đến các sản phẩm cuối cùng cung ứng cho thị trường. Từ điều kiện thực tế của Đà Nẵng, Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy chính là “kim chỉ nam” thể hiện quyết tâm chính trị rất rõ ràng và mạnh mẽ của Đảng bộ thành phố trong việc thúc đẩy ngành CNHT trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế”.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang