Thứ Sáu, 29/03/2024 19:48:15 GMT+7

Tin đăng lúc 30-10-2015

Lượt xem: 3483

Đà Nẵng: Điểm sáng trong phát triển các khu công nghiệp

TP. Đà Nẵng hiện có 06 KCN tập trung, gồm: Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với quy mô diện tích 1.055,13 ha Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê và đưa vào sử dụng là 650,98 ha, với tỷ lệ lấp đầy chiếm 86,92%.
Đà Nẵng: Điểm sáng trong phát triển các khu công nghiệp

Giải pháp tốt, thu hút đầu tư mạnh

 

Các KCN của Đà Nẵng đều nằm gần các trục giao thông nội thị của Thành phố nối kết với các trục giao thông chính của vùng và quốc gia cả về đường thủy, đường bộ và đường sắt; cách cảng nước sâu Tiên Sa gần nhất 3 km và xa nhất 20 km, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng gần nhất 3 km và xa nhất 12 km; góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa từ các KCN đến cảng, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước và ngược lại.

 

Ông Phạm Nhật Phi, Trưởng Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng cho biết, những năm qua, cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư vào các KCN của Nhà nước, công tác cải cách thủ tục hành chính công của Ban Quản lý ngày càng hoàn thiện và hiệu quả theo hướng công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận tiện theo cơ chế “một cửa, một đầu mối quản lý”, góp phần hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư.

 

Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng vừa cho công khai thông tin quỹ đất trong các KCN (trên website: www.iza.danang.gov.vn) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư sản xuất - kinh doanh đang muốn tìm đến đầu tư trong các KCN. Tổng diện tích đất còn lại có thể cho thuê là 97,97 ha, trong đó diện tích đất đã có hạ tầng là 68,75 ha.

 

Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá, những năm qua, hoạt động của các KCN trên địa bàn Thành phố đã góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển, tăng trưởng kinh tế, hình thành các trung tâm công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, v.v...

 

Mặc dù có nhiều lợi thế, tỷ lệ lấp đầy khá cao, nhưng các KCN Đà Nẵng cũng gặp phải một số khó khăn cần tháo gỡ.

 

Hiện Ban Quản lý tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng KCN đề xuất UBND Thành phố giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc thu tiền thuê lại đất, tiền sử dụng hạ tầng nhằm bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh của Thành phố, góp phần thu hút đầu tư... Ban Quản lý cũng đề xuất chính quyền Thành phố cho phép vận dụng mức thu tiền chậm nộp 0,05%/ngày trên số tiền nợ đối với các DN chậm nộp tiền sử dụng đất, đồng thời, phân loại tình hình DN khó khăn, sản xuất cầm chừng, tạm dừng sản xuất; các DN đang thực hiện tái cơ cấu, thi hành án, đang tranh chấp và các DN đã thực hiện thanh toán nợ tiền thuê lại đất, tiền sử dụng hạ tầng quá hạn (gốc), nhưng chưa thanh toán tiền chậm nộp để có giải pháp tháo gỡ.

 

Theo kế hoạch, năm 2015, Ban Quản lý sẽ tập trung phối hợp giải quyết những vướng mắc, tồn đọng; đồng thời, triển khai kế hoạch kiểm tra, phối hợp thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, lao động của các DN KCN; chấn chỉnh việc cho thuê nhà xưởng, ban hành quy định về phương thức chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản trên đất thuê lại.

 

UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu trong năm 2015, Ban Quản lý cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút và lựa chọn các dự án có chất lượng đầu tư vào KCN còn quỹ đất cho thuê; rà soát thu hồi đất với các dự án đã được cấp phép, nhưng chưa triển khai để bố trí cho nhà đầu tư khác có nhu cầu.

 

Cơ bản giải quyết khâu xử lý môi trường

 

Xử lý nước thải trong các KCN là mối quan tâm đặc biệt của Đà Nẵng. Đến nay, tuy tất cả các KCN trên địa bàn thành phố đã hoàn chỉnh mạng lưới thu gom, đảm bảo đường ống thu gom đi qua tất cả doanh nghiệp nhưng theo kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 5-2014, hệ thống xử lý nước tập trung của KCN Hòa Khánh, KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng còn chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dẫn đến tình trạng nước thải sau khi xử lý có thời điểm vượt Quy chuẩn Việt Nam cho phép trước khi thải ra môi trường. Lượng chất thải rắn nguy hại trong công nghiệp ước tính khoảng 9.118 tấn/năm, tương đương 25 tấn/ngày và lượng chất thải độc hại phát sinh từ các cơ sở y tế khoảng 1.750 tấn/năm, tương đương 6 tấn/ngày.

 

 

Mục tiêu của Đà Nẵng là đến năm 2015, 90% chất lượng nước thải của các KCN, khu chế xuất đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam; hình thành và phát triển công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 50% chất thải thu gom được tái chế. Thời gian qua Đà Nẵng đã tập trung và thống nhất những giải pháp xây dựng kế hoạch quản lý ô nhiễm công nghiệp và giải pháp thực hiện, trong đó tăng cường năng lực hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp; tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất, sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp. Đối với các KCN, tập trung cải tạo và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, nước mưa; thúc đẩy xây dựng và cải tạo các hệ thống xử lý nước thải của các KCN; tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại; thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, v.v...

 

Thành phố Đà Nẵng cũng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch; xây dựng và phát triển các dự án theo cơ chế sạch; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường; lồng ghép bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại; triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường công nghiệp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tăng cường công tác điều tra cơ bản phục vụ chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp; rà soát 19 ngành công nghiệp không được phép hoạt động trong khu dân cư để từng bước di dời, đổi mới công nghệ. Nhờ vậy, việc thu gom và xử lý nước thải tập trung của các KCN đã được giải quyết cơ bản (trừ KCN dịch vụ thủy sản). Đến nay, có 98% cơ sở đấu nối nước thải, 6.820m3 nước thải/ngày được thu gom xử lý tập trung. Đơn cử như KCN Đà Nẵng hiện có 46/52 doanh nghiệp đang hoạt động, 100% cơ sở có đấu nối. Hệ thống xử lý nước thải (250m3/ngày đêm) hoạt động ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đảm bảo, các thông số ô nhiễm đều nằm trong giới hạn cho phép.

  

Nguồn: Cục Công nghiệp địa phương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang