Thứ Bẩy, 20/04/2024 20:35:24 GMT+7

Tin đăng lúc 25-09-2015

Lượt xem: 5757

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đẩu: Biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học ở trang trại chăn nuôi

Các nhà khoa học đã kết luận rằng, việc biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học là hoàn toàn có thể và sẽ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế. Trong đó việc sử dụng chất thải “ướt” vốn thường được xem là khó sử dụng. Từ chất thải này cũng đã phát triển một quy trình khá đơn giản để không phải vận chuyển đi mà còn tận dụng để sản xuất điện năng.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đẩu: Biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học ở trang trại chăn nuôi
Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Đẩu

Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang có sẵn một nguồn chất thải nông nghiệp khá phong phú để sản xuất điện với hiệu năng như than đốt, song đòi hỏi cần có một một khoản đầu tư đáng kể ban đầu cho việc khởi nghiệp sẽ được sử dụng lâu dài. Do đó, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và Sản xuất sạch hơn Bắc Ninh đã và đang thực hiện xử lý một nguồn chất thải nông nghiệp thuần “âm” mà người nông dân phải trả phí để vứt bỏ, đồng thời tạo cơ hội cho họ tiết kiệm tiền và góp phần bảo vệ môi trường. Đây là một vòng tuần hoàn kín, vì vậy, mọi chi phí cho giá thành giảm đi đáng kể không cần phải lo lắng về những chí phí phát sinh…

 

Để minh chứng về giá trị đích thực trong áp dụng tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và Sản xuất sạch hơn Bắc Ninh, chúng tôi tìm đến khu trang trại chăn nuôi của một cựu chiến binh - ông Nguyễn Văn Đẩu. Ông Đẩu sinh ra và lớn lên tại xã Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi rời quân ngũ, ông tham gia nhiều công việc xã hội, sau đó quyết định thuê đất tại quê nhà thành lập trang trại chăn nuôi. Mô hình trang trại ở Đồng Nguyên của ông chuyên nuôi lợn nái sinh sản và cung cấp giống cho người chăn nuôi trong khu vực. Năm 2008, ông Đẩu lại tiếp tục thuê đất ở xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để xây dựng trang trại.

 

Trang trại thứ 2 này của cựu chiến binh Nguyễn Văn Đẩu có diện tích 04 ha. Sau 2 năm đầu tư, năm 2010 trang trại của ông chính thức đi vào hoạt động và chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt. Chỉ với 10 lao động nhưng trang trại của ông Đẩu lúc cao điểm đã lên tới 3.000 con lợn; hiện tại là 2.000 con. Tỷ lệ xuất chuồng trên 100kg/con.

 

Để đàn lợn không bị xáo trộn, không ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng, phát triển, người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại, các vật dụng chăn nuôi cũng như khu vực xung quanh sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, oxy cho lợn nhanh lớn. Song một bất cập là nếu sử dụng điện năng “thoải mái” vào những ngày hè nóng cực điểm thì... sản lượng điện năng tiêu thụ lên tới 20 triệu đồng/tháng.

 

Từ năm 2012, ông Nguyễn Văn Đẩu quyết định đầu tư mô hình tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn vào khu trang trại thứ 2 của mình. Được Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng tỉnh Bắc Ninh tư vấn, ông Đẩu đã xây dựng hệ thống bể biogas. Thành phần chính của biogas là CH4 (50¸60%) và CO2 (»30%) còn lại là các chất khác như hơi nước N2O2, H2S, CO… được thuỷ phân trong môi trường yếm khí, xúc tác nhờ nhiệt độ từ 20 - 40oC, Nhiệt trị thấp của CH4 là 1012 Btu/ft3 (37,71.103KJ/m3), do đó có thể sử dụng biogas làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Từ nguồn phế liệu “ướt” của trang trại, sau khi áp dụng mô hình này đi vào hoạt động thì chi phí điện năng hàng tháng đã giảm xuống chỉ còn 50% so với trước.

 

Với mục tiêu phát triển mô hình trang trại tập trung theo qui mô lớn nhằm đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, biến những vùng đất bạc mầu ít có giá trị với cây trồng thành những trang trại qui mô công nghiệp, mang lại nguồn lợi nhuận và ổn định cho người chăn nuôi, đồng thời tăng giá trị lợi nhuận trên một diện tích đất nông nghiệp đã được ông Đẩu áp dụng, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cao cho xuất khẩu và thị trường. Tuy mới thành lập từ năm 2008, nhưng đến nay, trang trại của ông đã và đang phát triển ổn định.

 

Để trang trại chăn nuôi đạt hiệu quả cao về kinh tế, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Đẩu luôn hướng tới việc xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín từ các khâu: Chọn giống lợn, xây dựng chuồng trại phù hợp, thức ăn và chế độ chăm sóc hợp lý. 

 

Về lợn thịt: Dựa trên quy mô, cơ cấu đàn lợn, chu kỳ nuôi (ngắn hạn hay dài hạn) để xác định mặt bằng của công trình chính, phụ, phù hợp với đặc điểm sinh lý của từng loại lợn, thuận tiện trong việc chăm sóc và đảm bảo vệ sinh phòng dịch. Chuồng trại phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè, chống được những cơn bão giông có thể hắt nước vào chuồng. Đặc biệt là phải phù hợp với đặc điểm sinh lý của lợn. Chuồng trại phải thuận tiện cho việc phân phối thức ăn và nước uống, không làm lãng phí thức ăn và công chăm sóc nuôi dưỡng.

 

Khi xây dựng chuồng trại phải tính toán hiệu quả kinh tế (vừa đảm bảo đủ nhu cầu của chuồng nuôi, nhưng lại tiết kiệm được sức lao động và nguyên vật liệu). Kết hợp được các kiểu chuồng nuôi hiện đại và truyền thống để có những kiểu chuồng nuôi phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đồng thời có khả năng tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của gia đình và địa phương. Đảm bảo vệ sinh và an toàn dịch bệnh cho đàn lợn và sức khỏe cho con người. Công tác an toàn vệ sinh, phòng dịch luôn được chủ trang trại chú trọng, đàn lợn luôn được tiêm phòng vacxin đầy đủ theo đúng thời gian và liều lượng. Ngoài ra, mọi biểu hiện thay đổi của đàn lợn đều được các chuyên gia thú y chăn nuôi tại trang trại ghi chép cẩn thận và đưa ra các phác đồ điều trị kịp thời. 

 

Trong những năm qua, mặc dù gặp phải thời tiết bất thuận và giá cả thị trường biến động, nhưng trang trại chăn nuôi của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đẩu không bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh và luôn đảm bảo an toàn thực phẩm thực hiện theo đúng quy trình khép kín nên mang lại nguồn thu nhập đáng kể (hàng chục tỷ đồng/năm) và giải quyết việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định…

 

Mô hình trang trại nuôi lợn công nghiệp đạt hiệu quả, an toàn sinh học đã và đang được bà con nông dân đầu tư. Đặc biệt là áp dụng công nghệ: Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn như ông Nguyễn Văn Đẩu đã áp dụng tại trang trại ở xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Với những thành tích trong sản xuất, chăn nuôi, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đẩu đã được tặng nhiều Bằng khen; Giấy khen của tỉnh Bắc Ninh. Ông còn vinh dự được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua và Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì sự nghiệp Nông nghiệp Việt Nam./.

 

 Bùi Thanh Bình

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang