Thứ Sáu, 29/03/2024 02:17:48 GMT+7

Tin đăng lúc 13-04-2016

Lượt xem: 3060

Cửa hàng tạp hóa “vượt mặt” siêu thị

Theo công bố mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, năm 2015 tăng trưởng của kênh thương mại truyền thống nhanh hơn kênh hiện đại 5,4%.
Cửa hàng tạp hóa “vượt mặt” siêu thị
Ảnh minh họa

Với hơn 1,3 triệu cửa hàng cửa hàng tạp hóa, kênh bán lẻ truyền thống hiện chiếm hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam, tương đương với gần 10 tỉ USD (khoảng 220.000 tỉ đồng).

 

Nghiên cứu của Nielsen cho thấy tốc độ giao dịch mua bán tại cửa hàng tạp hóa truyền thống hầu hết đều diễn ra rất nhanh. Trung bình, một giao dịch mua hàng thường chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 90 giây, với 10 giây đầu là để đặt hàng và 20 giây cuối là để thanh toán tiền mặt.

 

Top 3 ngành hàng dành cho nam thường được mua nhiều nhất là thuốc lá – 48%, thực phẩm (mì gói và snack) – 36%, và nước giải khát (nước uống có ga, bia và sữa tươi uống liền) – 31%. Trong khi đó, các ngành hàng thường được giới nữ mua nhiều nhất là thực phẩm (mì gói, cá tươi và sữa đậu nành) – 60%, và nước giải khát (sữa tươi uống liền và trà đóng chai) – 38%. 

 

Tuy nhiên, các nhà sản xuất, kể cả nhà sản xuất lớn có đội ngũ bán hàng hùng mạnh, cũng chỉ khai thác được cơ hội quảng bá sản phẩm tại 30% cửa hàng tạp hóa.

 

“Thông thường, các nhà sản xuất sử dụng các chương trình khuyến mãi để tạo sự chú ý với người tiêu dùng tại điểm bán nhưng chỉ 2% người tiêu dùng nhận biết các chương trình khuyến mãi hiện có khi đến mua hàng tại cửa hàng tạp hóa và chỉ 1% nhà bán lẻ đề cập về các chương trình khuyến mãi đến với người mua hàng ngay tại cửa hàng", báo cáo nêu rõ.

 

Ông Vaughan Ryan, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam cho rằng không thể xem nhẹ quyền lực của nhà bán lẻ trong việc tác động đến quyết định mua hàng. Thực tế cho thấy 2 trong 3 người mua hàng sẽ mua sản phẩm được giới thiệu bởi nhà bán lẻ. Ngoài gia đình và bạn bè thì nhà bán lẻ là một nguồn thông tin tham khảo quan trọng tác động đến việc mua sản phẩm của người mua hàng.

 

Báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng chỉ 10% nhà bán lẻ giới thiệu sản phẩm thay thế cho các sản phẩm đang hết hàng tại cửa tiệm. Điều này gây ra thiệt thòi cho cả nhà bán lẻ và nhà sản xuất khi để vuột đi cơ hội tăng doanh số cho mình. Ngoài ra, cũng chỉ có 10% nhà bán lẻ nói về các sản phẩm mới khi người mua hàng đến cửa tiệm.

 

Điều này dường như là một trở ngại lớn đối với các nhà sản xuất nhưng trên thực tế đây cũng chính là cơ hội để các nhà sản xuất có thể hướng dẫn và giúp cho các nhà bán lẻ tận dụng sức mạnh của họ để tạo sự ảnh hưởng đến với trải nghiệm mua sắm của người mua hàng và tối đa hóa giỏ hàng của người tiêu dùng khi họ đến mua sắm.

 

"Với 95% giao dịch mua bán tại kênh truyền thống đã được định sẵn trước khi người tiêu dùng đến cửa tiệm, các nhà sản xuất cần phải tập trung vào nhu cầu của người tiêu dùng và những gì thúc đẩy họ trước khi đến cửa tiệm", Nielsen khuyến nghị.

 

Vì kênh bán hàng truyền thống luôn tồn tại sự cạnh tranh gay gắt giữa các cửa hàng cá nhân tương đối nhỏ, nên việc nhà sản xuất xây dựng và duy trì mối quan hệ chặt chẽ đối với các nhà bán lẻ truyền thống rất quan trọng.

 

Các nhà sản xuất cũng cần phải xuất hiện thường xuyên tại điểm bán và phải luôn gây được sự nhắc nhở đối với nhà bán lẻ vì chính các nhà bán lẻ không chỉ giúp nhà sản xuất gia tăng doanh số, mà hơn hết họ còn giúp phát triển công việc kinh doanh của chính mình. Quay trở lại những vấn đề cơ bản nhất: Đó chính là việc nhà sản xuất phải đảm bảo rằng sản phẩm của họ luôn hiện diện, luôn sẵn có và không chỉ nhà bán lẻ mà cả người mua hàng đều phải biết về sự hiện diện này.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang