Thứ Ba, 23/04/2024 21:22:06 GMT+7

Tin đăng lúc 25-08-2015

Lượt xem: 4068

CPI tháng 8 lần đầu giảm sau 10 năm

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2015 giảm 0,07% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, CPI tháng 8 giảm so với tháng trước.
CPI tháng 8 lần đầu giảm sau 10 năm
Ảnh minh họa

So với tháng 12 năm trước, CPI tháng 8 tăng 0,61%, còn CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,83%.

 

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm chỉ số giá tăng, trong đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%. 

 

Trong đó, mặt hàng lương thực giảm do tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn. Mặt hàng thực phẩm tăng nhẹ do tác động của mưa lớn, ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản, giá một số thực phẩm khác tăng nhẹ do nhu cầu sản xuất các sản phẩm dịp Tết Trung thu. Đáng chú ý, giá thịt gia cầm giảm 0,44% do giá gà Mỹ nhập khẩu giá rẻ chỉ bằng nửa giá gà trong nước đã tác động trực tiếp đến giá thịt gà và gia cầm khác trong nước.

 

Mặt hàng đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,28% do chuẩn bị bước vào năm học mới.

 

Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; Giáo dục tăng 0,87%; và Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%.

 

Có 4 nhóm hàng giảm: Nhóm giao thông có mức giảm cao nhất 2,12%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,45%; bưu chính viễn thông giảm 0,02% và hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%.

 

Đáng chú ý, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực- thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8/2015 tăng 0,1 % so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ 2014.

 

Theo ông Nguyễn Bích Lâm,  Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2015 so với cùng kỳ 2014 tăng 1,98%, bình quân 8 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,19% cao hơn mức 0,61% và 0,83% của lạm phát chung. Mức lạm phát cơ bản xoay quanh 2% như hiện này là mức cân bằng bền vững, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững. 

 

Những tác động vào chỉ số CPI

 

Trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 8 giảm so với tháng trước. Tổng cục Thống kê phân tích các yếu tố tác động theo 2 chiều vào chỉ số giá. Cụ thể, các yếu tố tác động “níu” CPI tháng 8/2015 giảm, chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 20/7/2015 và ngày 4/8/2015, trong đó giá xăng giảm 1.080đ/lít (giảm 3,26%), giá dầu diezel giảm 1.930đ/lít (giảm 8,98%), giá dầu hỏa giảm 1.760đ/lít (giảm 8,83%). Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 2,12% đóng góp 0,19% vào mức giảm chung của CPI.
 

Từ ngày 1/8/2015, giá gas điều chỉnh giảm 8.000-10.000đ/bình 12 kg (giá gas trong nước điều chỉnh giảm do giá gas nhập khẩu trong tháng 8 giảm 27,5 USD/tấn, chốt giá ở mức 382,5 USD/tấn). Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas liên tục giảm với tổng mức gần 30.000đ/bình làm cho chỉ số giá gas giảm 2,5% so với tháng trước.
 

Trong tháng 8, thời tiết một số địa phương đã dịu, bớt nắng nóng nên lượng điện tiêu dùng thấp hơn so với tháng 7, làm cho chỉ số giá nhóm điện giảm 0,32%; giá vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,01% do mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại.
 

Bên cạnh những yếu tố níu CPI giảm nêu trên cũng có yếu tố tăng giá trong tháng 8 như: Học phí các cấp học từ mầm non đến đại học (trừ cấp phổ thông cơ sở) tăng, làm cho nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,91% (có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng); nhu cầu về sách vở và đồ dùng học tập tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,58%; các mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép có mức tăng nhẹ do nhu cầu mua sắm tăng hơn tháng trước; giá một số hàng thực phẩm tăng nhẹ, đặc biệt là những mặt hàng như trứng gia cầm, rau xanh và quả tươi. 
 

Không tính vào chỉ số giá CPI, chỉ số giá USD tăng 0,31%, trong khi chỉ số giá vàng giảm - 3,92 %. 
 

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, tuy không trực tiếp tính vào chỉ số giá CPI, nhưng việc phải điều chỉnh tỷ giá VND/USD do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ tác động không có lợi tới nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, việc tỷ giá tăng sẽ tác động gián tiếp đến chỉ số CPI thông qua giá các mặt hàng xuất, nhập khẩu. Tổng cục Thống kê đang khảo sát và tính toán tác động này (biến động tỷ giá chưa tác động đến CPI tháng 8 mà có độ trễ sang những tháng sau).

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang