Thứ Năm, 28/03/2024 23:55:55 GMT+7

Tin đăng lúc 22-02-2015

Lượt xem: 5124

Công ty Truyền tải điện 1: Xứng đáng với những phần thưởng cao quý

Công ty Truyền tải điện 1 (tiền thân là Sở Truyền tải) được thành lập ngày 01/5/1981, sau khi có quyết định của Bộ Năng lượng tách khỏi Công ty Điện lực 1 và là một trong những đơn vị hoạt động chuyên ngành truyền tải điện đầu tiên ở nước ta.
Công ty Truyền tải điện 1: Xứng đáng với những phần thưởng cao quý
Lãnh đạo Công ty tại Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Khi mới thành lập, Công ty gặp muôn vàn khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn; phương tiện thiết bị thi công thô sơ và nghèo nàn, trong khi đội ngũ cán bộ, công nhân viên chỉ có gần 200 người, hầu hết từ các Công ty Điện lực 1, Sở Điện lực Hà Nội và các công ty xây lắp điện chuyển sang, trình độ chuyên môn không đồng đều và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, vận hành lưới điện cao thế đến 110 kV, đặc biệt là xử lý sự cố các tuyến đường dây vượt sông, thay sứ ở những vị trí cột cao đến hàng trăm mét là những công việc hết sức nguy hiểm và đầy thách thức đối với đội ngũ những người thợ truyền tải điện.

 

Vượt qua những trở ngại ban đầu và bằng tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ CBCNV Truyền tải điện 1 đã từng bước vươn lên, không chỉ đảm nhận quản lý, vận hành 07 trạm biến áp 110 kV, trong đó có 11 máy biến áp, tổng dung lượng là 261 MVA và 145 km đường dây 110 kV trên địa bàn thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ, mà còn trực tiếp tham gia các công đoạn xây lắp, thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị trạm biến áp 110 kV trên địa bàn các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái... Đồng thời, Công ty còn góp phần quan trọng đưa điện vào các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, CBCNV trong Công ty đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt thiết bị máy móc và tự mày mò gia công chế tạo được hàng trăm tủ bảng và điều khiển bằng các thiết bị lẻ trên thị trường để lắp đặt các tủ bảng hợp bộ. Đặc biệt, khi hầu hết thiết bị của Liên Xô cũ đã xuống cấp, hư hỏng, CBCNV trong Công ty còn xử lý thay thế, lồng ghép nhiều thiết bị mới với thiết bị cũ, kéo dài tuổi thọ của thiết bị, đảm bảo cho các trạm vận hành liên tục, an toàn, tiết kiệm nhiều chi phí do không phải nhập khẩu.

 

Năm 1992, việc Chính phủ cho phép xây dựng đường dây 500 kV (mạch 1) đã mở ra một triển vọng phát triển mới cho ngành Truyền tải điện, bởi trước và sau khi khởi công công trình, hàng trăm cán bộ, công nhân thuộc các công ty truyền tải đã được cử đi đào tạo tại nước ngoài, với mục đích là học hỏi, nắm bắt kinh nghiệm quản lý, vận hành lưới điện có cấp điện áp cao từ các nước có nền công nghiệp phát triển, từ các đối tác bạn hàng với Việt Nam để về đảm nhận công tác quản lý A. Thời kỳ này, Công ty cũng được Bộ cho phép đầu tư, mua sắm nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cấp hoàn thiện nhà xưởng, phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo và thi công, quản lý, vận hành lưới điện.

 

Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị sản xuất, Công ty Truyền tải điện 1 còn trực tiếp Biên soạn Bộ Quy trình, Quy phạm quản lý, vận hành lưới điện 500 kV áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc, được các bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước đánh giá cao.

 

Ngày 27/5/1994, công trình đường dây 500 kV Bắc – Nam (mạch 1) được hoàn thành, đóng điện chính thức hoà vào lưới điện quốc gia, bên cạnh việc quản lý, vận hành 06 trạm và 798 km đường dây 220 kV, Công ty được giao quản lý, vận hành 02 trạm 500 kV và 405 km đường dây 500 kV từ Hà Tĩnh trở ra. Để đảm bảo an toàn tài sản và an toàn lao động, Công ty Truyền tải điện 1 đã cử CBCNV tập huấn ở các trường đại học trong nước và nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật, công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để nắm bắt và làm chủ thiết bị mới tiên tiến, hiện đại. Bằng năng lực chuyên môn đã được thẩm định qua thực tế quản lý các trạm biến áp, Công ty cũng đã được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ đào tạo hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị truyền tải mới thành lập khu vực miền Trung, miền Nam để quản lý vận hành tốt hệ thống, đảm bảo cho lưới điện luôn luôn thông suốt, ổn định.

 

Công ty cũng đã chủ động nắm bắt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương để đề xuất chủ trương đầu tư, bổ sung, hoàn thiện lưới điện. Trong đó, nhiều trạm biến áp 220 kV như Trạm Hà Đông, Mai Động, Chèm, Thanh Hóa, Ninh Bình, Vinh..., các tuyến đường dây 220 kV như những mạch máu năng lượng trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định... đã được đầu tư, xây dựng, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của các tỉnh, thành phố, kịp thời chống quá tải, đảm bảo lưới điện vận hành ổn định, liên tục, với chất lượng điện áp ngày càng cao.

 

Không chỉ quan tâm phát triển hệ thống trạm và đường dây, mà Công ty Truyền tải điện 1 còn chú trọng đầu tư chiều sâu với hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị máy móc ngày càng hoàn chỉnh và hiện đại. Hiện nay, tại các trạm biến áp từ 220 kV – 500 kV đều được lắp đặt những thiết bị tiên tiến nhất của các nước có nền công nghiệp phát triển. Tất cả các trạm đều được sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật số, thiết bị cảnh báo, đóng ngắt hoàn toàn tự động, với tính năng ưu việt và độ an toàn cao. Đặc biệt, Công ty cũng đã trang bị đồng bộ phương tiện, máy móc cho các đơn vị Truyền tải điện khu vực, đảm bảo tiện lợi trong thi công lắp đặt thiết bị và xử lý nhanh nhất khi có sự cố xảy ra. Trong đó, Công ty là đơn vị đi đầu thành lập một đội phản ứng nhanh, với những cán bộ, công nhân trẻ khỏe, giỏi tay nghề, nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản ở nước ngoài đảm nhiệm công tác sửa chữa nóng đường dây đang mang điện và đã thực hiện xử lý sự cố nhiều tuyến đường dây, đem lại hiệu quả hết sức to lớn.

 

Nét nổi bật ở Công ty Truyền tải điện 1 còn bởi tại đây thường xuyên khởi xướng các phong trào thi đua trong toàn ngành về xây dựng “đường dây và trạm kiểu mẫu”, “Trạm sáng – xanh – sạch – đẹp”..., đặc biệt là công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện 500 kV. Nhiều truyền tải điện khu vực trong Công ty đã duy trì được phong trào “xã hội hóa công tác bảo vệ đường dây”, phát động và tranh thủ được cả hệ thống chính trị, cùng với nhân dân các địa phương cùng quan tâm bảo vệ an toàn đường dây, coi đường dây như tài sản của chính địa phương mình, gia đình mình. Phong trào này sau đó đã được nhân rộng, lan tỏa và nhiều đơn vị trong toàn ngành Điện lực Việt Nam tham khảo và học tập kinh nghiệm.  

 

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện liên tục tăng trưởng với tốc độ cao từ 13 – 15%/năm. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã giao cho Công ty Truyền tải điện 1 là chủ đầu tư, phát triển, mở rộng, nâng cấp nhiều trạm biến áp, qua đó từng bước ổn định, kiện toàn bộ máy tổ chức từ Công ty xuống các đơn vi, với 11 phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ, 10 truyền tải điện khu vực, 08 đội, xưởng và trạm biến áp, số lượng CBCNVC toàn Công ty là 2.421 người, tập trung mạnh vào công tác tiếp nhận và quản lý, vận hành đường dây 500 kV (mạch 2); nâng công suất các trạm biến áp; nâng cao chất lượng quản lý thiết bị, công nghệ; triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp hàng chục trạm biến áp 220 kV phục vụ chống quá tải và tiếp nhận truyền tải điện từ các dự án Thủy điện Sơn La, Nhiệt điện Uông Bí, Quảng Ninh, Lạng Sơn... đi các địa phương. Đến nay, Công ty đang quản lý toàn bộ hệ thống lưới điện từ 220 kV đến 500 kV trên địa bàn các tỉnh miền Bắc, gồm: 07 trạm 500 kV và 1.568 km đường dây 500 kV (trong đó có 627,7 km mạch kép); hơn 3.140 km đường dây 220 kV (trong đó có 1.859,3 km mạch kép; 40 km mạch ba; 44,4 km đường dây 4 mạch); 32 trạm biến áp 220 kV (tổng dung lượng các trạm biến áp 500 kV, 220 kV và 110 kV là 18.837 MVA). Với khối lượng đường dây và trạm hiện tại, thì sản lượng điện truyền tải giao tăng thêm tới 58%; tổn thất giảm từ 2,18% xuống còn 1,73%; chiều dài đường dây 500 kV tăng 54,77%; chiều dài đường dây 220 kV tăng 18,40%; tổng dung lượng máy biến áp 500 kV tăng 200% và tổng dung lượng trạm biến áp 220 kV tăng 64,91%.  

 

Sản xuất phát triển, lưới điện truyền tải luôn đi trước một bước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của các địa phương, đồng thời góp phần quan trọng vào việc kết nối đồng bộ hệ thống lưới điện toàn quốc, Công ty cũng là một trong những đơn vị làm tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa cấp ủy và chính quyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng tổ chức Đảng liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; tạo điều kiện tối đa để các tổ chức đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của CBCNVC.

 

Ghi nhận những nỗ lực của tập thể CBCNV trong suốt chặng đường 33 năm hình thành và phát triển, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã trao tặng cho Công ty nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời ký đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Nhiều Huân chương Lao động và Bằng khen, cờ thì đua xuất sắc; Công ty và Trạm biến áp 220 kV Đồng Hòa (Hải Phòng) và nguyên Giám đốc Công ty Đậu Đức Khởi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều CBCNV được tặng thưởng Huân chương Lao động, được công nhận là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đặc biệt, trong không khí chào mừng các sự kiện trọng đại của Đất nước, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm ngành Điện 21/12/1954  – 21/12/2014, Công ty Truyền tải điện 1 lại vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất – phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các thế hệ CBCNVC Công ty Truyền tải điện 1 trong suốt chặng đường 1/3 thế kỷ xây dựng và trưởng thành.

 

Những trang vàng truyền thống của Công ty Truyền tải điện 1 anh hùng sẽ được viết tiếp bằng ý chí, bản lĩnh của những người lính truyền tải điện với sứ mệnh giữ vững dòng điện thông suốt trong mọi tình huống, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của các địa phương trên địa bàn quản lý và cả nước.

 

Thái Linh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang