Thứ Sáu, 29/03/2024 03:58:40 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2015

Lượt xem: 6246

Công ty Điện lực Thanh Hóa: Văn hóa doanh nghiệp làm nên giá trị cốt lõi của thương hiệu

Sau gần một tháng nằm viện, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa Trịnh Xuân Như mới trở lại nhiệm sở công tác. Khi gặp lại, chúng tôi thấy ông vẫn mệt, nước da xanh, nhưng đôi mắt tinh nhanh, nụ cười ấm áp, thân tình của ông thì vẫn như ngày nào. Ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về xây dựng giá trị cốt lõi của thương hiệu.
Công ty Điện lực Thanh Hóa: Văn hóa doanh nghiệp làm nên  giá trị cốt lõi của thương hiệu
Kiểm tra thiết bị MBA tại Điện lực Sầm Sơn

Theo ông, đơn vị nào cũng thế cả, muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì phải lấy việc hoàn thành nhiệm vụ của mọi người làm thước đo giá trị cốt lõi cho văn hóa thương hiệu, chỉ có kết quả công việc mới phản ánh trung thực được năng lực, phẩm chất và lối sống của con người. Vậy muốn có được giá trị cốt lõi của thương hiệu phải xây dựng văn hóa trong cơ quan, mà cụ thể nhất, thiết thực nhất là xây dựng tính tự giác trong thực hiện nhiệm vụ, trong cư xử, quan hệ công tác với cấp trên, cấp dưới, với khách hàng. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi có khó khăn và biến cố trong cuộc sống xảy ra. Giám đốc Trịnh Xuân Như tâm sự: “Tôi rất hài lòng bởi đơn vị tôi hoạt động kinh doanh sản xuất trong lĩnh vực điện năng, có quan hệ giao tiếp với nhiều tầng lớp khách hàng. Sản phẩm của Công ty lại rất thiết yếu, nhạy cảm với cuộc sống thường nhật của con người, nếu có sự sai sót một chút là thành vấn đề ngay. Vì vậy, điều quan trọng nhất mà chúng tôi quan tâm là xây dựng tinh thần tự giác, tự chủ, yêu nghề của mọi người, coi Công ty như ngôi nhà thứ hai của chính mình. Làm thế nào để CBCNVC-LĐ yêu mến, gắn bó với Công ty và nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hàng ngày được?”.

 

Giám đốc Trịnh Xuân Như bày tỏ: “Thật ra vấn đề gì cũng phải nhận diện cho thật chính xác. Người lãnh đạo đơn vị muốn cho cấp dưới làm việc với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm cao, thì chính bản thân người lãnh đạo phải xây dựng được phương pháp lãnh đạo khoa học, phù hợp với thực tiễn của mỗi đơn vị. Trước hết phải chăm lo đến đời sống của họ, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia những nguyện vọng, băn khoăn lo lắng khi họ thực hiện nhiệm vụ. Ngay cả trong cuộc sống đời thường nên tạo ra mối quan hệ gắn bó, chan hòa giữa cấp trên với cấp dưới, kịp thời phối hợp với công đoàn và các phòng ban chức năng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, trở ngại một cách có hiệu quả, tạo ra niềm tin vững chắc trong CBCNVC-LĐ. Khi đã có niềm tin, họ sẽ nêu cao tinh thần tự giác ở mọi lúc, mọi nơi và thể hiện trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, kể cả lúc lãnh đạo cơ quan không có mặt ở nhiệm sở, công việc vẫn cứ trôi chảy theo đúng kế hoạch đề ra. Đúng như tâm sự của Giám đốc Trịnh Xuân Như, một tháng trời ông nằm viện điều trị bệnh, Công ty được giao tổ chức Đại hội thi đua yêu nước 5 năm (2011-2015) và biểu dương công nhân lao động giỏi toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc tại Thanh Hóa. Số lượng CBCNV các cấp, các ngành và địa phương tham dự lên tới hàng ngàn người, vậy mà công việc vẫn trôi chảy đâu vào đấy, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào, được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty và Chính quyền địa phương đánh giá cao về công tác tổ chức của ngành Điện lực Thanh Hóa. Điều đó đã trả lời và cắt nghĩa rõ ràng về những giá trị cốt lõi của thương hiệu mà Công ty Điện lực Thanh Hóa đã dày công xây dựng trong những năm qua.

 

Tâm huyết về lĩnh vực này, năm 2015, lãnh đạo ngành Điện lực Thanh Hóa đã chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo chỉ đạo của Tổng công ty. Xác định năm 2015 là “Năm văn hóa an toàn lao động và kỷ luật lao động”, bằng những chương trình, hành động cụ thể như: Thực hiện chương trình nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong vận hành lưới điện kinh tế hiệu quả, gắn liền với đảm bảo an toàn lao động; tính toán tổn thất điện năng theo các phương án kết dây và theo thời vụ, để nhận dạng tổn thất; lập chương trình cập nhật đường dây, trạm biến áp, để vận hành và cấp điện an toàn, liên tục, tuyệt đối không để xảy ra sự cố do chủ quan; tìm nhiều biện pháp ngăn ngừa sự cố khách quan; có phương án xử lý nhanh các sự cố; xây dựng quy trình vận hành; lên lịch thí nghiệm định kỳ; tổ chức diễn tập sự cố lưới điện nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần và thời gian mất điện của khách hàng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, độ tin cậy cung cấp điện Tổng công ty giao cho. 6 tháng đầu năm qua, đã tiến hành kiểm tra 67 lượt tại các điện lực, phân xưởng, kịp thời phát hiện các sai sót về an toàn bảo hộ lao động, tích cực nhắc nhở, uốn nắn và xử lý đối với người vi phạm; tổ chức tốt việc kiểm tra an toàn lao động tại hiện trường nhằm ngăn ngừa đến mức thấp nhất tai nạn lao động…

 

Vẫn nụ cười thân mật, Giám đốc Trịnh Xuân Như chia sẻ thêm: “Các anh nên đi cơ sở để nắm bắt điều chúng tôi làm là nhất quán, triệt để từ trên xuống dưới và thật sự có kết quả chứ không phải hình thức, chiếu lệ…”. Theo gợi ý, chúng tôi đến Điện lực Bỉm Sơn, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Điện lực cho biết: “Xây dựng văn hóa ở cơ sở, điều quan trọng nhất là xây dựng ý thức tự giác cho CBCNVC-NLĐ. Muốn họ tự giác, cán bộ cấp trên phải gương mẫu trong suy nghĩ, hành động để làm gương cho họ noi theo. Khi đã tâm phục rồi, họ sẽ tự giác trong việc làm và hành động”. Chúng tôi được biết, Điện lực Bỉm Sơn là điện lực duy nhất trong Tổng công ty đã xóa 100% mô hình bán lẻ điện nông thôn, đưa công nghệ thông tin vào công tác chăm sóc khách hàng như: Thông báo tiền điện, thông báo cắt điện theo kế hoạch đột xuất; dự kiến thời gian cấp điện sau sự cố… Mạng lưới tiếp dân và trưởng ban thường trực 24/24 để tiếp nhận những thông tin từ khách hàng. Điện lực Bỉm Sơn được đánh giá là đơn vị có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất trong Công ty.

 

Đến Điện lực Hoằng Hóa, Giám đốc Trịnh Minh Hỡi khẳng định: “Khách hàng là sự trường tồn của ngành Điện. Do vậy trong giao tiếp với khách hàng được chúng tôi quan tâm hàng đầu, làm cho khách hàng phải là người bạn đồng hành, thân thiết với mình, cùng nhau quan tâm, giải quyết mọi thắc mắc và sự cố, tạo ra sự gần gũi, thân thiện, gắn bó, cùng chia sẻ, tập trung giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ với khách hàng, xóa bỏ dư luận độc quyền của ngành Điện. Muốn vậy, từ cán bộ đến công nhân phải tự giác trong việc làm đến sinh hoạt đời thường, luôn lắng nghe ý kiến của người dân, lấy khách hàng là trung tâm để phục vụ, loại bỏ thói quen lâu nay là tính gia trưởng, độc đoán, thay vào đó là cầu thị, thân thiện, kể cả khi vắng lãnh đạo ở cơ quan”.

 

Công ty Điện lực Thanh Hóa đã trở thành điểm sáng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Người dân xứ Thanh rất tự hào và trân trọng hình ảnh người công nhân điện áo vàng dầm mình trong mưa bão, trong nắng nóng, cứ nơi nào có sự cố, dù là đêm hay ngày, dù là Tết hay lễ hội, bất chấp mọi điều kiện thời tiết, khí hậu, bão bùng, mưa gió, hình ảnh màu áo vàng đã trở nên gần gũi, thân thương, trìu mến trong lòng người dân. Những người thợ điện Thanh Hóa đã thấm nhuần sâu sắc và ý thức cao về văn hóa doanh nghiệp, coi đó là lẽ sống nhân văn cao đẹp để phục vụ khách hàng, như những người chiến sĩ biên thùy, thắp sáng cả trời đêm, mang đến niềm vui, hạnh phúc và sự bình yên cho cuộc sống thường nhật của mọi người. Sắc màu áo vàng đó thật sự là niềm tin trong lòng nhân dân xứ Thanh.

 

Xuân Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang