Thứ Ba, 23/04/2024 21:10:31 GMT+7

Tin đăng lúc 07-08-2015

Lượt xem: 4194

Công tác Khuyến công: Động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn

Những năm qua, công tác khuyến công: “Khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phát triển công nghiệp nông thôn” theo Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 đã mang lại kết quả tích cực trong sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).
Công tác Khuyến công: Động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình  công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì Hội thảo

Để tiếp tục khuyến khích phát triển CNNT, nâng cao chất lượng của hoạt động khuyến công, ngày 21/5/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ- CP trên cơ sở kế thừa những nội dung tích cực, khắc phục những bất cập, tồn tại của Nghị định số 134/2004/NĐ-CP. Nghị định 45 ra đời đã được các địa phương đón nhận bởi có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn như: Mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách khuyến công, với các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn không phân biệt quy mô, loại hình doanh nghiệp và địa bàn đầu tư sản xuất…

 

Ngoài ra, Nghị định có thêm nội dung mới là nguyên tắc ưu tiên. Theo đó, sẽ có sự ưu tiên hỗ trợ theo địa bàn và theo ngành nghề. Các chương trình, đề án được triển khai trên địa bàn ưu tiên và ngành nghề ưu tiên được quan tâm hơn khi xét giao kế hoạch, mức kinh phí so với quy định chung. Về tổ chức hệ thống khuyến công, Nghị định cũng đã bổ sung quy định tổ chức hệ thống khuyến công từ trung ương đến cấp huyện và mạng lưới cộng tác viên đến cấp xã; Bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và hoạt động tư vấn khuyến công; Bổ sung nội dung đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các trung tâm khuyến công cấp vùng và cấp tỉnh. Bên cạnh đó, chế độ đối với cộng tác viên khuyến công cũng được quy định, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai.

 

Để Nghị định 45 được triển khai thuận lợi, Bộ Công Thương đã ban hành kèm theo các thông tư hướng dẫn. Cụ thể, ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 46/2012/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Ngày 27/12/2013, ban hành Thông tư số 36/2013/TT-BCT quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Theo đó, khi xét giao kế hoạch hàng năm, sẽ ưu tiên các đề án khuyến công quốc gia điểm, xét ưu tiên về ngành nghề, địa bàn theo quy định tại Thông tư số 46/2012/TT-BCT.

 

Ngày 18/2/2014, liên Bộ Tài chính Công Thương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương.

 

Để nâng cao hơn nữa vai trò và vị trí của công tác khuyến công trong quá trình công nghiệp hóa, ngày 01/8/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1288/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu tổng quát là: Huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia, hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2016-2020: Đào tạo được khoảng 100.000 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ khoảng 10.000 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề; Hỗ trợ xây dựng 160 mô hình trình diễn kỹ thuật; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 600 cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ 1.400 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước; Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải chung cho 120 cụm công nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trên toàn quốc; Khuyến khích xã hội hóa hoạt động phát triển công nghiệp; Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng; Nhận thức lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được phổ biến rộng rãi; Tăng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; Hợp tác quốc tế về khuyến công được đẩy mạnh; Hoàn thiện quy trình quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.

 

Thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo, từ năm 2014 đến nay, nhiều địa phương đã tổ chức các buổi tập huấn trên cả nước, để phổ biến về chính sách mới, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với nguồn ngân sách của chương trình.

 

Với việc đổi mới cơ chế, phương thức và tổ chức hoạt động của hệ thống khuyến công, các địa phương đã có nhiều đổi mới phù hợp với sự phát triển của xã hội. Theo đó, các địa phương đã tích cực củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; Kiện toàn bộ máy tổ chức; Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức học tập kinh nghiệm để vận dụng tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm đa dạng và phong phú nội dung nhằm phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp về chính sách khuyến công cũng được đẩy mạnh.

 

Trong quá trình đổi mới, nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay, phù hợp và phát huy hiệu quả. Bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất - kinh doanh sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nhất là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ... Ngoài ra, khuyến công còn góp phần cùng thực hiện xây dựng nông thôn mới, giúp cho chương trình khuyến công trong cả nước đạt hiệu quả cao nhất.

 

Nhằm phổ biến rộng rãi và có hiệu quả công tác khuyến công đến với tất cả các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước, mới đây, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, thực hiện Chuyên đề Khuyến công trên từng số Tạp chí. Chuyên đề này sẽ đi sâu phổ biến những chủ trương, chính sách và giải pháp đẩy mạnh công tác khuyến công của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan; Phản ánh các hoạt động của khuyến công cả nước trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương thực hiện công tác đào tạo lao động khu vực công nghiệp nông thôn; Thông tin nhân rộng mô hình trình diễn kỹ thuật, tư vấn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương; Kinh nghiệm sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương… Đồng thời, cũng phản ánh những yêu cầu, nguyện vọng, đề nghị của các doanh nghiệp và địa phương đối với các cơ quan hữu quan về công tác khuyến công; Các chuyên đề sẽ được đăng tải trên các số Tạp chí trong thời gian tới. Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và bạn đọc, nhằm cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất các hoạt động khuyến công từ Trung ương tới địa phương, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp nông thôn phát triển lên tầm cao mới.

 

 Lê Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang