Thứ Sáu, 26/04/2024 03:01:16 GMT+7

Tin đăng lúc 26-09-2016

Lượt xem: 3030

Công nghiệp hỗ trợ: Yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế Việt Nam

Việt Nam đang trên con đường tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một trong những mắt xích không thể thiếu trong hành trình này đó là phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm tập trung vào phát triển ngành CNHT và Nghị định số 111/NĐ–CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT là một điển hình. Đây là quyết sách đúng đắn để Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Công nghiệp hỗ trợ: Yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế Việt Nam
CNHT - yếu tố quan trọng của nền kinh tế VN

CNHT có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, ngoài việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiều rộng và chiều sâu, CNHT còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Một ngành CNHT kém phát triển sẽ khiến cho các ngành công nghiệp chính thiếu đi sức cạnh tranh, làm cho nhiều công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác phải phụ thuộc vào nhập khẩu, làm giảm tính hiệu quả của nhiều dự án đầu tư.

         

Việt Nam hiện có khoảng 500 DN hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ có 200 DN đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Công nghiệp ô tô, dệt may, cơ khí đặt mục tiêu nội địa hóa 60 – 70%, song đến nay vẫn chủ yếu phải nhập linh kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài, giá trị gia tăng thấp. Theo ước tính của Bộ Công Thương, ngành CNHT hiện lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do có quá ít DN trong nước làm CNHT, hoặc nếu có thì chỉ tham gia vào khâu đóng gói, bao bì. Còn lại, phần lớn các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các công ty nước ngoài, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

         

Mặc dù, nhận thức được vai trò quan trọng của CNHT đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, nhưng sự đầu tư các nguồn lực cho ngành CNHT chưa tương xứng với vai trò đặc biệt quan trọng của nó. Hiện các chính sách và đầu tư cho CNHT đang mang tính dàn trải, lồng ghép trong nhiều chính sách và chương trình khác nhau; nguồn lực ngân sách nhà nước còn eo hẹp do đó đầu tư cho ngành CNHT rất hạn chế, các DN rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước.

         

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển CNHT cho thấy, vai trò của nhà nước rất quan trọng, trước hết là việc hình thành các chính sách. Cần có các văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế… Tiếp đến là các ưu đãi về tài chính, đất đai, hạ tầng, về đầu tư, về nguồn nhân lực, chính sách khuyến khích thành lập các doanh nghiệp sản xuất CNHT, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho CNHT… Nếu thực hiện được những giải pháp đồng bộ như vậy chắc chắn ngành CNHT Việt Nam sẽ phát triển, góp phần phát triển kinh tế nước nhà bền vững, sớm đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang