Thứ Sáu, 19/04/2024 19:46:13 GMT+7

Tin đăng lúc 26-06-2022

Lượt xem: 1323

Công nghiệp hỗ trợ: Những tín hiệu chuyển mình tích cực

Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã có những bước tiến tích cực.
Công nghiệp hỗ trợ: Những tín hiệu chuyển mình tích cực
Ngành CNHT Việt Nam đã có những bước chuyển mình tích cực

Phải nói, năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành sản xuất ô tô trong nước do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu, cung ứng trong nước cũng như nhu cầu tiêu thụ của người dân. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành, ngành ô tô vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng sản xuất xe lắp ráp trong năm 2021 vẫn đạt khoảng 299.800 xe, tăng 9,1% so với năm 2020. Các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ có thể kể đến như giảm lệ phí trước bạ, gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất trong nước, lắp ráp trong nước; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông…

 

CNHT được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản… Năng lực sản xuất các sản phẩm CNHT trong nước cũng đang dần được cải thiện.

 

Thị trường xuất khẩu cho các ngành công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… Các DN trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện như linh kiện, phụ tùng nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị. Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Bên cạnh đó, các DN CNHT của Việt Nam cũng từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.

 

Có thể nói, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhưng các DN CNHT đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, đồng thời nhanh chóng phục hồi khi tinh hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Điều này thực sự đã giúp ngành CNHT dần phục hồi đà tăng trưởng và đóng góp đáng kể vào phát triển công nghiệp nội địa.

 

Một số DN sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. DN CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát... Chính điều đó đã tạo nền tảng cho ngành CNHT, giúp các DN CNHT của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

 

 

Dây chuyền sản xuất gia công cơ khí của Công ty TNHH MTV Cơ khí Chu Lai - Trường Hải

 

Samsung có thể coi là một trường hợp thành công rõ nét của ngành CNHT Việt Nam. Theo Cục Công nghiệp, năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện DN Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab, nhưng các DN CNHT  của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà. Một năm sau, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 DN CNHT Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó.

 

Theo đó, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 DN năm 2018 lên 42 DN. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 DN năm 2018 lên 170 CN. Có tới 240 DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển lâu dài và định hướng để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung. Ngoài Samsung, đến năm 2020, Toyota Việt Nam có tổng cộng 33 nhà cung cấp thì đã có 5 nhà cung cấp Việt Nam (chiếm 15,15%).

 

Việc các DN FDI đã có những thay đổi tích cực trong sử dụng nhà cung cấp khi chú ý hơn tới nguồn cung cấp từ các DN Việt Nam cũng được thể hiện qua kết quả khảo sát của Qima - một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng. Qima đã thực hiện khảo sát với hơn 700 DN trên toàn cầu trong tháng 3/2021 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được nhiều DN Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng. 25% DN có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý I/2021. Riêng với DN ở Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 43%.

 

Trong dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu, có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên trường quốc tế và cải thiện được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; CNHT đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp đạt trên 45%.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang