Thứ Sáu, 29/03/2024 05:35:59 GMT+7

Tin đăng lúc 20-06-2016

Lượt xem: 2736

Công nghệ thông tin: Tạo “sức bật” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả thường dễ tiếp cận thông tin chính sách, thực hiện thủ tục hành chính và có kết quả kinh doanh tốt hơn.
Công nghệ thông tin: Tạo “sức bật” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Công nghệ số đang phát triển nhanh chóng

Công cụ đắc lực

 

Tại hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: DN nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?”, do VCCI tổ chức mới đây, ông Phạm Đình Hà - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Unique Tours cho biết, việc chạy quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Search và Google Display Network đã mang lại kết quả vượt ngoài mong đợi của công ty. 80 - 90% lợi nhuận có được là từ công cụ tìm Google và Google Display Network. Bên cạnh đó, Unique Tours đã khai thác xu hướng di động toàn cầu bằng cách phát triển một trang web có định dạng dùng riêng cho điện thoại di động. Sự đầu tư này đã được đền đáp khi 40% yêu cầu thông tin mà Unique Tours nhận được là qua các trang web trên điện thoại di động và 1/4 đơn hàng đến từ phương tiện này.

 

Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Maketing Công ty Topica (công ty cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến) - cho hay, thời gian đầu, Topica thường tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá tuyển sinh nhưng không thực sự hiệu quả. Năm 2010, Topica quay sang sử dụng sự trợ giúp của Internet và AdWords với mục tiêu tăng số học viên tiềm năng lên 4 lần nhưng thực tế con số này đã tăng 10 lần, doanh số bán hàng tăng 80%.

 

“Thành công đó đã cho phép chúng tôi mở rộng quy mô từ một văn phòng với 12 nhân viên tăng lên khoảng 1.000 nhân viên làm việc ở các văn phòng đặt tại Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam” - ông Tuấn khẳng định.

 

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI - nhấn mạnh, làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ này là cách thức đi tắt, đón đầu đối với các DNNVV Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

 

Khai thác chưa hiệu quả

 

Ông Lộc cho rằng, Việt Nam có khoảng 98% DNNVV, đóng góp 51% tổng số việc làm và 40% GDP. Internet đang mở ra cơ hội cực kỳ rộng lớn cho họ. Tuy nhiên, điều tra của VCCI cho thấy, trong năm 2015, mặc dù có tới 95% DN Việt Nam sử dụng Internet nhưng có tới gần 60% trong số này ứng dụng CNTT chưa hiệu quả.

 

Ông Kevin OKane - Giám đốc mảng DNNVV, Google châu Á - Thái Bình Dương - chia sẻ: Mỗi DN Việt Nam, dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gì, đều cần ứng dụng CNTT bởi nhiều khách hàng của họ đã kết nối mạng. Nhưng đa số các DNNVV Việt Nam vẫn chưa có cách thức hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng qua mạng Internet. Do vậy, cần có những hỗ trợ cho họ trong vấn đề này.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất của các DNNVV hiện nay là nguồn lực còn hạn chế nên đã lựa chọn giải pháp thuê nhân sự CNTT ngoài theo thời vụ. Tuy nhiên, các chủ DN cần phải ý thức được rõ nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh, phải có sự đầu tư xứng đáng cho CNTT.

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng - cho biết, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực để xây dựng hành lang pháp lý, tạo dựng một môi trường khuyến khích phát triển công nghệ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chương trình đổi mới công nghệ quốc gia tới năm 2020 với nhiều nội dung khuyến khích các tổ chức, DN phát triển và ứng dụng công nghệ, trong đó có CNTT, với kỳ vọng trong thời gian tới, CNTT sẽ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ cho các DN tại Việt Nam.

 

Theo VCCI, đa số DN hiện nay vẫn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của CNTT nên hạn chế đầu tư cho CNTT hoặc còn đang loay hoay trong việc lựa chọn mô hình CNTT phù hợp với năng lực tài chính và mục đích của DN mình.

 

 

 Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang