Thứ Bẩy, 20/04/2024 08:31:59 GMT+7

Tin đăng lúc 16-05-2020

Lượt xem: 1437

Cơ hội và thách thức trước sự dịch chuyển FDI

Các tập đoàn, DN lớn đang có sự chuyển dịch giữa các quốc gia, nhất là rút lui khỏi thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng với nhiều lợi thế, nền kinh tế và chính trị ổn định, Việt Nam cần có những chính sách để đón cơ hội vàng thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.
Cơ hội và thách thức trước sự dịch chuyển FDI
Sẽ có nhiều DN FDI dịch chuyển sang Việt Nam

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế của nhiều nước và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc. Đơn cử như chính phủ Nhật Bản công bố quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất Nhật Bản quay trở lại nước này hoặc chuyển dây chuyền sang Đông Nam Á nếu họ rời khỏi Trung Quốc. Trong khi đó nhiều công ty của Mỹ và châu Âu cũng đang đẩy nhanh tiến độ rút lui và tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đây cũng là thời điểm nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đón nhận làn sóng chuyển dịch này.

 

Thời gian qua, Việt Nam luôn là điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Đã có rất nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, song trong 4 tháng đầu năm 2020, thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn đạt tín hiệu khả quan.

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 984 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Theo đối tác đầu tư, đã có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,07 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,46 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,16 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư…

 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để chớp lấy thời cơ và đón nhận những dòng vốn ngoại.

 

Có thể thấy, sự chuyển dịch của các tập đoàn, DN lớn đang tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc đón nhận dòng vốn FDI chất lượng cao. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy FDI. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho DN Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về sự tin cậy chiến lược, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch. Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực với các lĩnh vực sản xuất quan trọng. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. Tuy nhiên để làm được điều này chúng ta phải tiếp tục duy trì sự ổn định và có những giải pháp nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao hơn nữa.

 

Trên thực tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện đáng kể và được các DN FDI đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần được cải thiện hơn nữa. Tại Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 mới đây, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80% DN bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% DN trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Tuy nhiên điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% DN có công trình xây dựng trong hai năm qua cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng gần tương đương với tỷ lệ 63% DN gặp khó khăn về khách hàng – khó khăn lớn nhất trên thương trường. Tương tự như vậy, những cải cách thủ tục trong lĩnh vực đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội… theo phản ánh của DN cũng đang còn những dư địa lớn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút các dòng vốn nước ngoài.

 

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Việt Nam cần nắm bắt thời cơ vàng này để tái khởi động, để phục hồi khi là một trong số ít những nền kinh tế đã sớm kiềm chế được dịch bệnh. Và việc cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta đón nhận dòng đầu tư đó.

 

Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Việt Nam cần nắm bắt thời cơ vàng này để tái khởi động, để phục hồi khi là một trong số ít những nền kinh tế đã sớm kiềm chế được dịch bệnh. Và việc cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta đón nhận dòng đầu tư đó.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang