Thứ Sáu, 26/04/2024 06:43:46 GMT+7

Tin đăng lúc 24-04-2022

Lượt xem: 1773

CNHT ngành Cơ khí: Cần những giải pháp mới để đón đầu cơ hội

Lĩnh vực cơ khí đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam. Để vươn tới mục tiêu trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới, chặng đường đi còn rất dài và gian nan. Nhưng nếu ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước có thể thay đổi tư duy quản lý, sản xuất, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội thì sẽ tạo ra được một tiền đề vững chắc để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất, lắp ráp của thế giới.
CNHT ngành Cơ khí: Cần những giải pháp mới để đón đầu cơ hội
Các DN CNHT cơ khí đang đứng trước nhiều cơ hội lớn

Các chuyên gia dự báo rằng, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí Việt Nam có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), có khoảng 25.000 DN cơ khí đang hoạt động. Dù vậy, hiện tại ngành Cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

 

Những gam màu sáng – tối ngành Cơ khí

 

Có một thực tế phải thừa nhận là: Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt. Trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác của chúng ta vẫn lạc hậu so với nhiều nước. DN gặp không ít thách thức trong cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng… để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

 

Ngay tại thị trường trong nước, ngành Cơ khí cũng không có được nhiều thị phần. Các DN cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các DN FDI đảm nhiệm.

 

Đáng chú ý cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó phải kể đến một số DN điển hình trong lĩnh vực ôtô như: VINFAST, Thành Công, THACO…

 

Cơ hội lớn cũng cần giải pháp lớn

 

Thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD; đường sắt tốc độ cao 50 - 60 tỷ USD; các tuyến đường sắt nội đô; các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy…. Đây là cơ hội lớn cho ngành Cơ khí tận dụng những lợi thế, kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.

 

 

THACO có lợi thế lớn trong ngành CNHT cơ khí ô tô

 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là đến năm 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước. Các chính sách mới đang mở ra cơ hội lớn cho ngành Cơ khí của Việt Nam cất cánh. Nhưng rõ ràng để có thể đón được vận hội mới, ngành Cơ khí cũng cần phải có sự nhanh nhạy, linh hoạt, nắm bắt được nhu cầu thị trường và lợi thế cạnh tranh của mình. Ngoài việc tạo thị trường cho DN, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích DN đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt phải chú trọng phát triển ngành cơ khí luyện kim, CNHT...

 

Về phía DN, đại diện THACO Auto cho biết, để phát triển sản xuất thúc đẩy phát triển lĩnh vực cơ khí của DN, Công ty đã chủ động đẩy mạnh nền tảng công nghệ hiện đại và chuỗi giá trị trọn gói từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm đến sản xuất và cung ứng là cơ sở quan trọng để công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tạo lợi thế cạnh tranh.

 

Đề cập đến giải pháp phát triển ngành Cơ khí Việt Nam, ông Đào Phan Long - Chủ tịch VAMI cho rằng, cơ khí Việt Nam muốn có nhiều đơn hàng, tham gia chuỗi xuất khẩu cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ, trình độ khoa học công nghệ để có thể chế tạo các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài với chủng loại đa dạng. Trong tương lai, ngành Cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo, không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần, nên các DN buộc phải liên kết, đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Cơ hội cho ngành Cơ khí trong thời gian tới là rất nhiều. Thị trường cho máy móc thiết bị của Việt Nam rất lớn, đến giai đoạn năm 2030 sẽ đạt khoảng hơn 300 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc thiết bị cho các công trình công nghiệp như: Nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc khoảng 20 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm khoảng 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô khoảng 130 tỷ USD...

 

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, nhận định: “DN cơ khí, CNHT đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp DN trong nước ưu thế hơn khi xuất khẩu, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào”.

 

Minh Phương


Tag:cơ khí

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang