Thứ Bẩy, 20/04/2024 23:31:00 GMT+7

Tin đăng lúc 18-11-2022

Lượt xem: 3201

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hướng tới sản xuất thông minh

Khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: đứt gãy chuỗi cung ứng; khan hiếm, gián đoạn nguồn cung nguyên liệu dẫn đến thị trường đầu ra giảm mạnh. Trong lúc đó, chuyển đổi số đã nổi lên như một giải pháp thiết yếu giúp DN tái cơ cấu hoạt động sản xuất, hướng tới cải tiến thông minh, cải thiện nhân lực, công nghệ.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hướng tới sản xuất thông minh
Chuyên gia từ Samsung tư vấn giúp các DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh

Khi cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ trên toàn cầu, chuyển đổi số trở thành yếu tố then chốt giúp DN tạo ra cơ hội bứt phá quan trọng. Nhưng cơ hội lớn ấy cũng đi kèm với rất nhiều khó khăn và thách thức cho các DN ngành CNHT. Ngày 17/11, trong khuôn khổ của Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2022, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức hội thảo chuyên ngành “Thúc đẩy chuyển đổi số - hướng tới sản xuất thông minh”. Đây được xem là một sự hỗ trợ kịp thời giúp các DN gỡ bỏ những trăn trở, suy tư khi đứng trước bài toán làm thế nào để bắt kịp xu thế chuyển đổi số tất yếu để gia tăng năng lực cạnh tranh.

 

Trong khuôn khổ hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho biết: “Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị cho DN thông qua những chia sẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực Chuyển đổi số, các DN đã và đang ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, từ đó giúp DN Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng thông minh, tạo môi trường tìm kiếm đối tác và cơ hội mới, đồng thời cập nhật thông tin mới về các chính sách hỗ trợ cũng như thông tin cung – cầu ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử”. 

 

Công ty Samsung Việt Nam chính là đơn vị đang hỗ trợ tư vấn cho DN Việt Nam xây dựng nhà máy thông minh. Phía Samsung cho biết, công ty đang tập trung vào các hoạt động tư vấn cải tiến, đào tạo chuyên gia tư vấn và khuôn mẫu, thúc đẩy sản xuất thông minh, hỗ trợ chuyên gia, triển khai đề tài phù hợp môi trường sản xuất Việt Nam, tối ưu hoá toàn bộ quy trình như phát triển, sản xuất, bán hàng. Ngoài ra, Samsung còn hỗ trợ trong các hoạt động: Tăng trình độ vận hành như tuân thủ giao hàng, năng suất, chất lượng, chi phí tồn kho, quản lý thiết bị, quản lý sản xuất.

 

Ông Jang Yoon Ho, Giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác - Công ty điện tử Samsung Việt Nam chia sẻ, ngay từ khi đến Việt Nam, Samsung đã chú trọng công tác đào tạo cho các DN vệ tinh của Việt Nam để nâng cao chất lượng và tăng hàm lượng nội địa hoá. Trong giai đạn 2015-2021, Samsung Việt Nam đã tư vấn cho gần 400 DN trong lĩnh vực này.

 

“Trong 2 năm 2022 - 2023, dự án 'Nhà máy thông minh' của chúng tôi sẽ đào tạo 100 DN Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 DN nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của DN”, ông Jang Yoon Ho cho hay. Cũng theo ông Jang, các DN trong ngành CNHT nên thực hiện chuyển đổi số càng sớm càng tốt bởi đây là nền tảng của nhà máy thông minh. Việc chuyển đổi số không chỉ là áp dụng công nghệ thông tin mà phải được “chuyển đổi” trong tư duy của lãnh đạo nhằm tối hưu hoá quy trình sản xuất và tăng tính cạnh tranh. Trong đó, công nghệ thông tin chỉ là công cụ chứ không phải đích đến.

 

 

Các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo VIMEXPO 2022

 

Cũng trong buổi hội thảo hôm 17/11, ông Darryl Dong, Chuyên gia Tài chính Trưởng của IFC tại Việt Nam đề cập rằng “Chuyển đổi số là vấn đề thiết yếu giúp một DN thành công trong thời kỳ công nghệ số hiện nay. Đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh báo lớn. Một khảo sát của McKinsey cho thấy những công ty sớm thực hiện chiến lược chuyển đổi số đã ứng phó với điều kiện hoạt động mới trong đại dịch tốt hơn hẳn so với các công ty khác. Chuyển đổi số giúp cải thiện sự tăng trưởng của DN trong dài hạn, nâng cao tính bền vững và khả năng chống chịu cho DN trước các cú sốc”.

 

Ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng nhà xưởng thông minh để tự động hóa trong sản xuất, đại diện công ty Trí Cường (TCI) cho rằng đây là nhu cầu tất yếu của các DN ô tô, cơ khí, điện tử Việt Nam. Để làm được điều đó, các DN cần phải đẩy nhanh việc thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, sản xuất thông minh trong khi đây vốn là một quá trình dài, cần có chiến lược và giải pháp phù hợp.

 

Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, tình hình chính trị thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ với xung đột Nga – Ukraine hay căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên… chuyển đổi số nổi lên như một giải pháp tất yếu, mang tới nhiều cơ hội bứt phá, giúp thay đổi cách thức vận hành truyền thống của chuỗi cung ứng. Chuyển đổi số hiệu quả và thành công sẽ giúp DN giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng thị phần và sẽ là lợi thế cạnh tranh của DN trước xu hướng thị trường khốc liệt.

 

 

Ngành CNHT ô tô Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sản xuất thông minh

 

Hiện nay, trên thế giới, xu hướng nhà máy thông minh đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đây chính là nơi các DN có thể ứng dụng các giải pháp công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), điện toán đám mây hay IoT (Internet vạn vật)… vào sản xuất. Phát triển theo mô hình nhà máy thông minh sẽ giúp các DN, nhất là lĩnh vực CNHT, chế biến chế tạo đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Để hỗ trợ cộng đồng DN trong chuyển đổi số cũng như thúc đẩy ngành CNHT, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi như Nghị định số 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết số 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới. Ngoài ra, để bắt kịp với xu hướng số hoá toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749 phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Điều này đã tạo ra nhiều kỳ vọng về một cú hích lớn để phát triển lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.

 

Lê Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang