Thứ Năm, 28/03/2024 18:39:02 GMT+7

Tin đăng lúc 11-10-2018

Lượt xem: 1440

Chung sức xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, thịnh vượng

Với quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Indonesia đã và đang từng bước vượt các khó khăn thách thức, sát cánh bên nhau đưa quan hệ hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc củng cố tinh thần đoàn kết và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong tất cả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, định hình.
Chung sức xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, thịnh vượng
Thủ tướng lên đường dự cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN và thăm Indonesia

Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) (Cuộc gặp ALG) tại thành phố Bali, Indonesia và thăm làm việc Indonesia từ ngày 11-12/10/2018.

 

Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tăng trưởng cao hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi mặt. Trong bối cảnh đó, việc triển khai các thỏa thuận toàn cầu về các vấn đề phát triển như các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… đòi hỏi đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các thể chế đa phương một cách hiệu quả, thực chất. ASEAN đang tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch hành động Tầm nhìn ASEAN 2025; giữ vững đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, củng cố bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ thực thi cam kết.


Hội nghị thường niên Ban Thống đốc IMF và WB năm 2018 có chủ đề “Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm của tương lai”. Dự kiến, sẽ có khoảng 3.000 đại biểu từ các nước trên thế giới tham gia gồm: Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội... 

 

Với chủ đề “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu”, lãnh đạo các nước ASEAN dự kiến sẽ tập trung trao đổi về ý tưởng, định hướng, biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN với các tổ chức quốc tế khác như Liên Hợp Quốc, IMF, WB, tạo động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trong sự gắn kết với Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

 

Cuộc gặp ALG và phiên họp toàn thể IMF-WB trong chuyến thăm làm việc Indonesia lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang có nhiều biến động với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đóng góp vào việc duy trì sự phát triển năng động, bền vững, gắn kết trong ASEAN. 

 

Sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với những nội dung trao đổi thiết thực, tập trung vào các đề xuất cụ thể, khả thi, mang tính bền vững sẽ là sự ủng hộ to lớn đóng góp vào thành công tốt đẹp của cuộc gặp.

 

Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia

 

Tuy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia mới được thiết lập 5 năm, nhưng hai nước đã có gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều thành tựu về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân. 


Trong 5 năm qua, hai nước đã tận dụng và triển khai tốt Chương trình Hành động 2014-2018, ký Chương trình Hành động 2019 - 2023 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Joko Widodo với nhiều định hướng lớn cho sự phát triển quan hệ song phương bền vững cho 5 năm tiếp theo, hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
 

Thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, các cơ chế hợp tác song phương cùng với sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng gia tăng, các lĩnh vực hợp tác khác giữa Việt Nam và Indonesia cũng phát triển tích cực.

 

Hai nước quyết tâm phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD trong thời gian sớm nhất và mục tiêu 220.000 lượt khách du lịch hai chiều vào năm 2023 (so với mức 70.000 lượt khách Indonesia đến Việt Nam và 50.000 lượt khách Việt Nam đến Indonesia mỗi năm).

 

Tháng 6/1989, hai nước chính thức mở đường hàng không Việt Nam-Indonesia. Nhiều tập đoàn lớn của Indonesia đã vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tính đến tháng 6/2018, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 71 dự án trị giá 514 triệu USD.

 

Indonesia là một trong những nước trong khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh - quốc phòng với Việt Nam. Năm 1964, Indonesia đặt phòng Tùy viên Quân sự ở Hà Nộị. Năm 1985, Việt Nam đặt phòng Tùy viên Quân sự tại Jakarta. Hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp Bộ trưởng và tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng, Công an, triển khai hợp tác trên một số lĩnh vực như đào tạo sĩ quan, triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm cứu nạn…

 

Chuyến thăm làm việc tại Indonesia của Thủ tướng thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với vai trò và vị thế của Indonesia ở khu vực và trên thế giới, thể hiện mong muốn của Việt Nam cùng phối hợp chặt chẽ với Indonesia và các nước thành viên khác trong xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, đoàn kết, phát triển thịnh vượng và tăng trưởng bền vững.

 

Theo báo Chính phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang