Thứ Sáu, 29/03/2024 02:05:47 GMT+7

Tin đăng lúc 22-10-2014

Lượt xem: 5358

Chú trọng giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh cho DN

Có những vấn đề không tỏ ra ấn tượng về con số như việc cắt giảm thực hiện thủ tục hành chính, nhưng sẽ có tác dụng tạo ra sự đột phá lớn hơn cho doanh nghiệp (DN).
Chú trọng giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh cho DN

Ảnh minh họa

 

Ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP (Nghị quyết 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Rất nhiều mục tiêu đã được lượng hóa bằng con số cụ thể trong Nghị quyết để góp phần tiết giảm chi phí cho DN trong việc gia nhập, tiếp cận tín dụng, điện năng, thủ tục hải quan, thuế…

 

Tiết kiệm chi phí thời gian cho DN

 

Triển khai Nghị quyết 19, thời gian thành lập DN còn tối đa 6 ngày, thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế là 171 giờ/năm, thời gian tiếp cận điện năng đối với các DN, dự án đầu tư còn tối đa là 70 ngày, thời gian xuất khẩu là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày, thời gian giải quyết thủ tục phá sản DN còn tối đa là 30 tháng...

 

Nếu so sánh giữa thực tế và mục tiêu thì sẽ thấy những kỳ vọng lớn lao đặt vào Nghị quyết số 19 là không nhỏ.

 

Chẳng hạn, theo tính toán trước đây của Ngân hàng Thế giới thì số giờ thực hiện khai và nộp thuế là 537 giờ, số giờ nộp bảo hiểm xã hội là 335 giờ. Để khởi sự kinh doanh thì theo Bộ KH&ĐT hiện cần khoảng 10 thủ tục với thời gian là 34 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng hiện là 115 ngày.

 

Kết quả gần đây cho thấy, những nỗ lực triển khai Nghị quyết số 19 trong hơn 6 tháng qua đã mang lại kết quả ban đầu khá tích cực trong việc tiết kiệm chi phí thời gian cho DN khi theo báo cáo, số giờ thực hiện khai và nộp thuế giảm còn 201,5 giờ, số giờ nộp bảo hiểm xã hội còn 108 giờ, thời gian thực hiện các thủ tục cấp điện cho trạm biến áp trung áp còn 18 ngày làm việc… và còn có sự kỳ vọng đặt vào các dự án Luật mới sắp được Quốc hội xem xét, thông qua sẽ góp phần giảm còn 5 thủ tục với thời gian là 17 ngày để khởi sự kinh doanh.

 

Tất cả những kết quả ban đầu này sẽ góp phần giúp DN giảm chi phí về thời gian và có thể cả các chi phí khác, tăng năng lực cạnh tranh của DN, góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Tuy nhiên, một trong những vấn đề góp phần giảm chi phí hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN dường như không dễ dàng lượng hóa bằng con số như nêu trên, mà nằm ở tác động của các chính sách khác trong Nghị quyết 19 như: Phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng…

 

Đây chính là những vấn đề không tỏ ra ấn tượng về con số như việc cắt giảm thực hiện thủ tục hành chính, nhưng sẽ có tác dụng tạo ra sự đột phá lớn hơn cho DN.

 

Tháo gỡ các điểm nghẽn về chi phí cho DN

 

Trước hết là vấn đề hình thành chính sách bảo đảm sự bình đẳng cho các DN tham gia vào các hoạt động đầu tư công.

 

Theo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DN nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015”, việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước đã bắt đầu triển khai như trong lĩnh vực giao thông vận tải, đã thu hút gần 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 48 dự án, có 15 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 1 và 3 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 14. Có 16 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT và BT trong các lĩnh vực nhiệt điện, nước, đường bộ, hạ tầng đô thị.

 

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng chỉ rõ hạn chế lớn đầu tiên là cơ chế, chính sách khuyến khích và các đề án theo ngành, lĩnh vực chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công có sinh lời.

 

Hơn nữa, việc đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích DN Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các thành phần kinh tế khác có kết quả chưa rõ nét.

 

Chính những điều này sẽ góp phần tạo ra lực cản cho khu vực DN ngoài Nhà nước trong việc tham gia bình đẳng vào hoạt động thu hút đầu tư, cạnh tranh bình đẳng.

 

Hai là, một trong những điểm mấu chốt trong chiến lược trợ giúp các DN là vai trò của Nhà nước trong phát triển các dịch vụ kinh doanh với chi phí hợp lý. Tuy vậy, vấn đề này dường như không dễ dàng sớm thay đổi, vì phụ thuộc vào các chính sách cụ thể hơn của Nhà nước để tháo gỡ các điểm nghẽn về chi phí cho DN.

 

Chẳng hạn, quá trình giám sát tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực giao thông vận tải cho thấy hiện nay các DN Việt Nam mới chỉ đảm nhận một thị phần nhỏ khoảng 25% của thị trường dịch vụ logistics, chủ yếu đảm nhận một số công đoạn của chuỗi dịch vụ logistics. Chi phí logistics tại Việt Nam còn cao so với các quốc gia láng giềng, ước tính chi phí logistics ở mức 20% GDP, do vậy các DN tham gia kinh doanh dịch vụ này sẽ phải đối mặt với chi phí lớn, giảm năng lực cạnh tranh.

 

Một ví dụ khác về vai trò của chính sách là tỷ lệ thị phần của các phương thức vận tải, theo báo cáo của Bộ GTVT là chưa hợp lý, xu hướng “đường bộ hóa” ngày càng rõ nét (tỷ lệ của các phương thức vận tải hiện nay đối với hành khách bằng đường bộ là 93,52%, đường sắt 0,44%, đường thủy nội địa 5,09%, hàng không 0,89%; đối với hàng hóa bằng đường bộ là 65,2%, đường sắt 0,62%, đường thủy nội địa 15,21%, đường biển 18,93%, đường hàng không 0,03%) và điều này góp phần làm chi phí vận tải cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế.

 

Những ví dụ này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách nhiều bài toán khác nhau khi đặt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 19 trong thực tiễn cuộc sống.

 

Việc chuyển đổi từ hành chính công truyền thống sang quản lý công (hành chính phát triển) là xu hướng tất yếu, theo đó chuyển mạnh từ “Nhà nước điều hành kinh tế” sang “Nhà nước kiến tạo phát triển”, vai trò của Chính phủ chuyển từ “chèo thuyền” sang “lái thuyền”.

 

Nghị định số 19 ra đời như một đột phá cần thiết, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ, nhưng để tạo ra hiệu lực lớn trong thực tiễn thì cần thiết phải có nhiều cơ chế khác nhau cùng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu chung giải quyết các điểm nghẽn về cơ chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và của cả quốc gia.

 

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang