Thứ Sáu, 29/03/2024 05:25:54 GMT+7

Tin đăng lúc 23-10-2019

Lượt xem: 4566

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do bờ biển dài, nhiều khu vực có bình độ thấp. Nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, Hà Nội đã, đang có nhiều chính sách hỗ trợ và áp dụng các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Hiện Hà Nội có khoảng 8,05 triệu dân, trong đó dân số đô thị chiếm 40%. Toàn thành phố có 10 khu công nghiệp, hơn 13.000 làng nghề... Mỗi ngày thành phố tiêu thụ hơn 60 triệu kWh điện, hàng triệu lít xăng, dầu, gánh chịu 6.000 tấn rác thải sinh hoạt… Đây chính là những nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

 

Theo ông Bùi Duy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cam kết thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường. Cụ thể, thành phố đã rà soát các quy hoạch phát triển có tính đến yếu tố thích nghi với biến đổi khí hậu, ưu tiên các dự án đầu tư và xây dựng thân thiện với môi trường, tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững.

 

Với lĩnh vực hoạt động công nghiệp và năng lượng, để triển khai các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội được thành lập cùng với Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả thành phố Hà Nội. Cùng với đó, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính cho các ngành sản xuất công nghiệp như: Cơ khí, hóa chất, dệt may,…

 

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, Sở đã thực hiện lồng ghép kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu với các kế hoạch, chương trình trong ngành Công Thương.

 

“Chúng tôi lồng ghép khi thực hiện kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp khi đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 doanh nghiệp, giúp giảm 8-10% mức tiêu thụ nguyên - nhiên liệu, vật liệu, năng lượng/ đơn vị sản phẩm. Chương trình khuyến công phối hợp với các huyện, thị xã triển khai hỗ trợ 14 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Việc hỗ trợ đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững” - ông Lê Hồng Thăng chia sẻ.

 

Đánh giá về hiệu quả khi áp dụng công nghệ trong sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Đại Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) cho biết, đơn vị đang ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu của Nhật Bản trong chăn nuôi nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do kinh phí lớn, nên mới chỉ đầu tư được một phần của trang trại.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: "Mặc dù có những chính sách, kế hoạch hành động cụ thể, nhưng đến nay, nhận thức về biến đổi khí hậu của một số doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình sản xuất, tiêu dùng nhằm phát thải cácbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Vì thế, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp chung tay trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng".

 

Theo Báo Hà Nội Mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang