Thứ Sáu, 29/03/2024 03:49:27 GMT+7

Tin đăng lúc 16-01-2020

Lượt xem: 5403

Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ: Chuyển biến mạnh mẽ từ Đề án 824

Việc ban hành, thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ" (Đề án 824) đã tạo sự chuyển biến rõ nét, mạnh mẽ trong công tác ngăn ngừa, phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ: Chuyển biến mạnh mẽ từ Đề án 824
Doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ quy định về chứng nhận xuất xứ

Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến tháng 12/2019, đã có 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Các nước thường xuyên điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM với hàng hóa của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, các nước này đã tiến hành điều tra thực hiện 19/20 vụ việc, chiếm 95% tổng số vụ việc điều tra lẩn tránh đã tiến hành với hàng hóa Việt Nam.

 

Ngay sau khi Đề án 824 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/7/2019, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao thông qua việc ban hành các Kế hoạch hành động, thành lập các Tổ công tác, triển khai thực hiện quyết liệt trên thực tế.

 

Danh sách cảnh báo gồm 26 mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM đã được Bộ Công Thương xây dựng và cập nhật định kỳ để gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố. Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có chức năng điều tra các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ cũng như khuyến cáo doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi gian dối.

 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/ 2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ và Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

 

Được biết, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Đối với công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm.

 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh việc tập trung xử lý tốt các vấn đề về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ. Đồng thời khẳng định, việc ban hành và thực thi Đề án 824 của Chính phủ là quyết định quan trọng, thể hiện quan điểm rõ ràng và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

 

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các nghi vấn của nước ngoài, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, cần có sự tích cực, chủ động tham gia, phối hợp của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ quy định về chứng nhận xuất xứ; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý hiện đại để đáp ứng các yêu cầu chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thận trọng trong việc tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu...

 

Bộ Công Thương khẳng định sẽ cùng các cơ quan thực thi phòng chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại và quản lý nhà nước phát huy hơn nữa cơ chế phối hợp, đưa ra những biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này; tạo sự tương tác và kết dính chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa khu vực trong nước với đối tác quốc tế để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ các biện pháp PVTM.

 

Năm 2019, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nhiều nhất, với 30 vụ; thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ; thứ ba là Ấn Độ với 20 vụ; cuối cùng là EU với 14 vụ.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang