Thứ Ba, 23/04/2024 19:30:36 GMT+7

Tin đăng lúc 24-04-2017

Lượt xem: 7701

Chợ truyền thống không chỉ là chợ

Với nhiều quý vị, có thể ai đó sẽ cho tôi là dân ngoại đạo, chợ truyền thống thì có gì đáng nói. Vâng, vì tôi yêu chợ, vì tôi sống hơn nửa đời lang bạt kỳ hồ nhờ người thiên hạ và chủ yếu là sống nhờ... chợ. Một cái chợ đời đã nuôi lớn tôi.
Chợ truyền thống không chỉ là chợ
Chợ truyền thống

Tuy nhiên, đã từng lang thang cơm hàng cháo chợ bốn mươi năm, từng rong ruổi đến nhiều vùng quê đi tìm chân dung các miền đất và nơi đầu tiên tôi đến là ...chợ. Chợ là khuôn mặt, vùng quê, là văn hóa vùng quê. Đến chợ nhìn vào hàng hóa, ngắm gương mặt dân quê biết vùng đó có bản sắc văn hóa thế nào. Mẹ tôi 90 tuổi, chân mỏi lưng còng vẫn tha thiết được chống gậy ra chợ cách nhà hàng vài cây số. Không phải mẹ đi chợ để mua sắm thứ mình cần hay mua quà cho cháu. Mẹ đi để cho đỡ nhớ... chợ, nhất là chợ tết cuối năm. Đời người ta gắn với chợ sâu sắc lắm. “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Vậy chợ là nơi không chỉ trao đổi mua bán hàng hóa. Nó là nơi người ta đến để nhìn xem thời thế, qua giá cả, qua hàng hóa nông sản... để biết vùng quê ấy giàu hay nghèo, đói hay no... Nhìn cái lạt bó rau nhận người làng. Nguyễn Duy từng có một câu thơ như vậy. Chợ là nơi đem cái hồn vía làng nghề ra mà quảng bá, "mà PR". Chợ truyền thống ở đô thị khởi thủy là những cái chợ làng. Làng sầm uất mới thành thị, thành đô... và cái nét làng, nết làng vẫn còn đó. Chợ Mơ, chợ Láng vẫn là chợ của người Kẻ Mơ, làng Láng. Đậu mơ ngon, húng Láng thơm và không đâu bằng. Văn hóa nó ẩn trong chợ, trong từng hàng hóa sản vật của người đến chợ. Trăm người bán - vạn người mua. Đó là chợ truyền thống. Rất nhiều đô thị lớn có những cái chợ truyền thống nổi tiếng cả nước và có khi cả thế gian biết: Những chợ Rồng Nam Định; chợ Kỳ Lừa, Lạng Sơn; chợ Đông Ba ở Huế; chợ Gạo Tiền Giang; chợ Nổi Cái Bè... Nó là những địa chỉ văn hóa, ngoài cái địa chỉ mua sắm trao đổi hàng hóa.  “Trai khôn tìm vợ chợ đông - Gái khôn lấy chồng ở chốn ba quân” là vì thế. Nơi đó gái ngoan, gái đảm lam làm, vén khéo mới hay ra chợ, tha hồ trai khôn kén chọn. Gái mà ru rú ở nhà, siêng ăn nhác làm, tiểu thư đài các thì đừng có mà tha về chỉ lo hầu mà thôi. Các trai làng kháo nhau thế. Gái quê đẹp, trang phục đẹp khoe hết ra chợ. Gái làng quanh năm lam lũ chỉ có phiên chợ mới dám mặc áo đẹp, quần mới ra khoe thiên hạ. Cái nón trắng úp ngực làm duyên của gái làng ra chợ làm xao xuyến bao trái tim lữ khách đó thôi.

       

Hà Nội là Kẻ Chợ. Cả thành phố này xưa là cái chợ mênh mông. Mấy cửa ô có chợ. Chợ cầu Dền, chợ Dừa, Đồng Xuân - Bắc Qua... Rồi làng nào cũng có chợ. Chợ là nơi hội tụ người tứ xứ đến bán mua giao lưu trao đổi hàng hóa, thu thập thông tin. Đi chợ về có ối chuyện để kể. Báo chí còn thua xa về độ chân thực và nóng sốt của tin tức từ chợ. “Bà lão ở làng bên hôm qua nằm mộng thấy con về, hôm sau anh bộ đội mất tích mấy chục năm khoác ba lô về thật. Hay nhà kia có con lợn nái đẻ một lúc 15 lợn con. Rồi nhà cu Tuân làng Đoài  năm nay phất lớn nhờ nuôi lợn giống đấy... Con bé Thoan làng Lủ khổ thân mới lấy chồng nửa năm lại bị chồng bỏ. Trước bảo lấy thằng Quân nhà này thì còn cành cao cành thấp...”. Chuyện ở chợ mang về toàn chuyện dễ nghe, cần nghe... Chao ôi! Không có chuyện thời sự làng quê nào mà chợ không có.

 

       

 

Chợ hàng Da - Hà Nội đồ sộ nhưng vắng người

 

Chợ là nơi có địa thế thuận lợi nhất. Đâu có chợ đấy là trung tâm của một vùng. Nhất cận thị, nhị cận giang. Nhà gần chợ là nhất. Ngày xưa chọn đất  làm chợ các cụ xem phong thủy cả rồi. Không trên bến dưới thuyền thì cũng là thuận về đường sá, giao thông. Nhìn những chợ truyền thống ở Hà Nội thì biết. Bây giờ người ta đang quy hoạch lại hệ thống chợ mà thực chất là muốn biến những chỗ “đất vàng” ấy thành các trung tâm thương mại (TTTM). Ý tưởng đó phù hợp xu thế phát triển các đô thị hiện đại văn minh, nhưng có lẽ quá vội vàng. Qua khảo sát của chúng tôi, hai thiết chế TTTM và chợ truyền thống đang khác nhau xa về chức năng, về tâm lý, tập quán, thói quen... và vì thế, có thể nói TTTM không đáp ứng được các tiêu chí của chợ truyền thống. Thứ nhất: Nhu cầu của người dân. Người dân đến chợ không chỉ có việc chọn mua hàng hóa, nhu yếu phẩm đồ dùng... Họ đến để trao đổi hàng hóa. Nhà có thứ gì mang ra chợ bán lấy tiền rồi mua đồ dùng đồ ăn, quà bánh... Tóm lại, chợ truyền thống có cả chức năng “bán và mua”, mà TTTM thì chỉ có chức năng bán hàng. TTTM xây hoành tráng rồi để không, còn tiểu thương thì không đủ tiền thuê quầy hàng, mà có thuê quầy hàng bán đồ gia dụng, nhu yếu phẩm thì vấn ế. Chợ không có khách hàng thì ế và tiểu thương thì ngồi nhìn nhau ngắp vặt... Rất nhiều TTTM vắng khách, tiểu thương thì lang thang ra đường. Dân thì vẫn đi tìm hàng hóa, rau củ, hoa cỏ ở chợ cóc hay gánh hàng rong... Thực trạng ấy đặt ra một vấn đề một câu hỏi lớn: TTTM có phải là chợ không? Chợ Dừa là một bài học. Cả tòa nhà đồ sộ của TTTM Chợ Dừa bây giờ thành quán Karaoke. Xót xa quá. Tiểu thương mấy trăm người khiếu kiện chán, chờ hứa hẹn chán nay bỏ đi đâu hết. Cả khu vực dân cư mấy vạn người bổ vào chợ Kim Liên, chợ Thái Hà mua đồ ăn. Nghịch cảnh ấy sẽ còn tiếp tục ở chợ Mơ, chợ Cầu Mới khi các TTTM mọc lên...

       

Kẻ Chợ và các chợ truyền thống Hà Nội là văn hóa sống, văn hóa thương mại nghìn năm ở Thủ đô. Hãy chú ý đến nhu cầu người dân, đừng áp đặt các TTTM mà thực chất là để mất các địa chỉ văn hóa, mất chỗ đất vàng vào tay các công ty...

       

Chưa nói là chỉ không lâu nữa, TTTM cũng... thừa, bởi xu hướng  mua bán trực tuyến đang phát triển mạnh và rồi sẽ còn những hình thức mua bán  khác tiên tiến hơn... TTTM cuối cùng làm cái việc cần làm là xóa chợ truyền thống và dĩ nhiên đất ấy thành tòa nhà cho thuê.

       

Nhân ngày đầu năm, bàn chuyện chợ với những suy nghĩ như thế này tôi thấy thật áy náy, nhưng mong sao, những người có trách nhiệm hãy nghĩ đến văn hóa chợ và nhu cầu người dân trước khi xóa các chợ truyến thống. Hãy bảo tồn và gìn giữ chợ truyến thống. Đó là thái độ văn hóa của người làm quản lý của đất nước, của từng địa phương…                                                                                                            

 

  Tân Linh 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang