Thứ Sáu, 29/03/2024 04:48:53 GMT+7

Tin đăng lúc 08-04-2015

Lượt xem: 5253

Chợ đêm trên đất Tràng An

Một ngày qua đi, người Tràng An yên bình trong giấc ngủ say nồng sau bao lo toan công việc. Nhưng bên cạnh sự yên bình của muôn dân, trên đất Tràng An còn có nhiều cái chợ họp vào quãng 3-4 giờ sáng mỗi ngày ở các trục đường ven đô đi vào thành phố Hà Nội như: Đường Cầu Giấy, ga Giáp Bát, Ngã Tư Sở, đầu cầu Long Biên… thật sôi động, náo nhiệt. Đó chính là chợ Gia Vị!
Chợ đêm trên đất Tràng An

Chợ Gia Vị có sắc thái riêng của nó. Sự đổi thay hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ mua, người bán. Vì mục đích của chợ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt trong ngày bằng nhiều loại hình: Rau, hành, lá lốt, sương sông, gừng, nghệ, chanh, ớt tươi, tỏi… Tuy đã được sắp xếp, quy hoạch, nhưng cái luộm thuộm, ồn ào vẫn phơi ngay ra trước mắt. Ví dụ như chợ đầu mối Cầu Giấy: Nào sọt thồ, xe đạp, xe máy các loại; bán đủ thứ làm ùn tắc cả một quãng đường vào tầm 3-4 giờ sáng mỗi ngày. Điều mà chúng tôi muốn nói là vấn đề mua bán đồ gia vị của nhiều người, từ tứ xứ mọi ngả đường, người lao động hội thành một cái chợ.

 

Phải thừa nhận rằng, tình trạng họp chợ này là sự bỏ mối của người mua, kẻ bán. Còn nếu vô tình, ai đó dù có chở cả ô tô hoặc xe đạp thồ một thứ gia vị nào đến bán thì chưa chắc đã bán hết. Bởi vì, mỗi quán ăn, hiệu bún chả,…họ chỉ có một nhu cầu bỏ mối với người “tiếp thị” từ hôm trước rồi!

 

Vậy ai là người tham gia vào đội quân họp chợ gia vị này? Đó là các chị, các bác và những chàng trai vùng lân cận, thậm chí xa hơn từ vùng quê Chúc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai,… (Hà Tây cũ); Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam đến… Công việc của họ là ngày hôm trước phải lặn lội kiếm tìm nguồn hàng trên rừng, dưới biển để mua buôn. Chẳng hạn như các thứ lá gia vị phải vào các miền quê vùng sâu, vùng xa của Hoà Bình, Ba Vì để gom hàng. Sau đó, tập kết về nhà để rồi thức dậy từ lúc 1-2 giờ sáng rong ruổi xe đạp, xe máy, kịp giờ bỏ mối cho các chủ nhà hàng như đã hẹn trước.

 

 

Tôi có dịp chứng kiến và quan sát một số chợ gia vị ở đất Tràng An nên thấy hết nỗi vất vả, gian truần của họ trong cảnh mua bán dưới trời mưa rét mùa đông và dịp đầu xuân. Trò chuyện với chị Hoàng Thị Yên, quê ở huyện Chương Mỹ (cách chợ Cầu Giấy có tới 20km). Chị cho biết, chợ đã nhóm họp mà người mua hàng chưa đến. Đêm thì mưa lây phây, mặc dù trận mưa rét đã dứt được vài hôm nay. Khi chúng tôi tiến lại gần, chị tưởng chúng tôi là nhà chức trách, hoặc nghi là mấy anh “ăn sương” nên chị chỉ trả lời ỡm ờ cho qua chuyện. Khi chúng tôi nói là hỏi để “góp phần” bỏ mối đưa hàng gia vị, chị thành thật nói:

 

- Có được lãi lời bao tiền mỗi lần bỏ mối đâu anh!

 

Tôi hỏi:

 

- Ví dụ như sọt lá lốt này, chị lãi bao nhiêu?

 

- Cũng tuỳ, hôm thế này, mai thế khác. - Rồi chị ngừng lại, nói một câu rất văn hoa: “Vàng có giá; hàng lá vô cùng” mà anh!

 

- Chẳng lẽ trong cái vô cùng đó không có thời giá mùa, vụ bán ra cụ thể sao?

 

- Có chứ! Như hôm nay một buổi chợ sau cơn mưa, mọi vườn rau đều bị hỏng hết. Đấy là lúc rau có giá nhất.

 

- Rau cải này chị mua lại hay của nhà trồng được?

 

- Em phải sang tận Vân Nội (Đông Anh), mua rau trồng trong nhà lưới đấy!

 

- Nghĩa là ngày nào chị cũng chị có làm một công viêc đi chợ?

 

- Đúng vậy! chị Yên trả lời gọn lỏn.

 

- Thế còn đồng ruộng, ai lo?

 

- À, ruộng khoán quê em thuộc dạng “chiêm khê, mùa thối”, cho nên cả hai vợ chồng và 3 đứa con đất ruộng chỉ có 3 sào, bọn em thuê người cày bừa hộ.

 

- Còn chồng chị đi chợ gì?

 

- Nhà em chỉ ở nhà bế con và chăn nuôi lợn anh ạ.

 

 Tôi hỏi tiếp:

 

- Làng có ai làm cùng nghề đi chợ gia vị buổi sáng như chị không?

 

- Ít lắm! Đi chợ gia vị vất vả lắm! Lời lãi chẳng được bao nhiêu; riêng họ vào rừng kiếm củi còn kiếm được nhiều tiền hơn… lại bán ngay chợ nhà.

 

Cùng lúc đó một chiếc xe máy phanh cấp tốc bên chiếc sọt thồ dưới trời lất phất mưa bên gốc cây sà cừ làm câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang. Chị ta vẫn ngồi trên trên xe lùng thùng áo mưa xổ ra một tràng “ngữ pháp tiếng Việt”:

 

- Mày định cắt cầu tao đấy hả? Liệu cái mặt đấy!

 

Không thấy chị Yên nói gì, chúng tôi lên tiếng:

 

         - Có phải chúng tôi tranh mua của chị đâu. Chúng tôi cũng đang “bỏ mối” hàng. Nếu chị ”tiêu được” sẽ mang đến thêm gấp đôi, gấp ba sọt thồ này, chị có mua không?

 

Vẻ mặt loang loáng dưới ánh đèn cao áp, khuôn mặt chị ta cau có lườm chúng tôi chữa thẹn:

 

- Thôi! Ôm về mà đổ bỏ đi cho đỡ chật đất…

 

Rồi chị ta đưa tiền, chị Yên buộc bao tải lá lốt vào xe máy và chiếc xe của chị ta rồ ga lao về phía ngã ba Cầu Giấy.

 

Chia tay chị Yên, chúng tôi lững thững dắt xe lướt qua những dãy, những hàng sỗng sọt gia vị còn hỗn độn chưa bán hết lẫn trong các ngôn từ chợ búa giữa kẻ mua, người bán. Trong cái khoảnh khắc của sự nhộm nhoạm chợ gia vị đất Hà thành, tôi chợt nghĩ: “có phải đó là bóng dáng của sự “mua tranh-bán cướp” hay đó là biểu hiện của thời cơ chế thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt vẫn và sẽ đang diễn ra thời hội nhập?...

 

Có điều, bắt đầu từ chợ gia vị buổi sáng như hôm nay, các quán hàng của Tràng An lại đầy ắp lá lốt, rau răm, mơ tam thể, củ xả,…mà thứ gia vị đó không thể không một thứ nào thay thế được.

 

Thanh Bùi


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang