Thứ Bẩy, 20/04/2024 03:27:32 GMT+7

Tin đăng lúc 12-07-2020

Lượt xem: 852

Chính thức vận hành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh

Sau gần 4 tháng thi công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trên khắp thế giới, cuối tháng 6/2020 dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh đã chính thức vận hành. Tổng mức đầu tư dự án là trên 1.000 tỷ đồng với công suất 45MW.
Chính thức vận hành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sử dụng các tấm pin quang điện, hệ thống Inverter chuỗi cho hiệu suất cao (98%). Ảnh: VGP

Trước đó, ngày 10/6, Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (đặt tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) do Công ty cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) làm chủ đầu tư  đã chính thức hòa lưới, cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện khoảng 75 triệu kWh/năm.

 

Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh được triển khai đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cho kế hoạch ban đầu tưởng như không thể hoàn thành. Tuy nhiên, ngay khi có thể bắt tay thi công trở lại, chủ đầu tư cùng các nhà thầu đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tăng cường nhân lực và hiệu quả công việc, để có được kết quả cuối cùng hoàn thành nhà máy vượt tiến độ dự kiến 15 ngày, khẳng định tiềm lực vững mạnh, uy tín thương hiệu trên thương trường của T&T Group.

 

Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sử dụng các tấm pin quang điện, hệ thống Inverter chuỗi cho hiệu suất cao (98%) do liên danh Sharp - NSN cung cấp. Đây là sản phẩm được nhiều dự án năng lượng mặt trời trong nước tin dùng bởi chất lượng tốt, bền bỉ trong điều kiện khắc nghiệt và thân thiện với môi trường. 

 

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với nhu cầu điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 dự báo tăng khoảng 8,5%/năm; mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 5.000-6.000 MW điện trong giai đoạn này. Dự án điện mặt trời Phước Ninh đi vào vận hành sẽ đóng góp khoảng 75 triệu kWh điện/năm, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, của tỉnh Ninh Thuận cũng như Tập đoàn T&T Group đối với sự phát triển năng lượng tái tạo. 

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, đến thời điểm này, tỉnh đã cấp quyết định đầu tư cho 34 dự án với tổng công suất 2.343 MW, tổng vốn đầu tư hơn 62 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, đã có 22 dự  án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 1.375MW; dự kiến cuối năm 2020, có thêm 9 dự án đưa vào vận hành với công suất 748MW, nâng tổng số lên 31 dự án vận hành thương mại, với tổng công suất 2.123MW, tổng sản lượng điện ước đạt 2.557 triệu kW.

 

Sự kiện Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh chính hòa lưới điện quốc gia không chỉ là dấu mốc quan trọng đối với Tập đoàn T&T Group và Công ty cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, mà còn có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Dự án cũng sẽ góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. 

 

Theo Báo Chính Phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang