Thứ Ba, 16/04/2024 21:30:03 GMT+7

Tin đăng lúc 06-02-2022

Lượt xem: 831

Chắp cánh cho nghệ thuật truyền thống

Tôi vẫn luôn cho rằng Hà Nội là một trong không nhiều địa phương có thể trở thành điểm nhấn cho mô hình phát triển nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Trong hơi xuân của đất trời và chén trà xuân ấm áp, xin lạm bàn đôi chút về điều này.
Chắp cánh cho nghệ thuật truyền thống
Nhóm Xẩm Hà thành đã có những đóng góp trong việc quảng bá văn hóa truyền thống, phát triển du lịch Thủ đô.

Như mt “bo tàng sng”

 

Nhắc tới bảo tàng, người ta hay nghĩ tới những giá trị gần như đã đóng băng, nghĩa là đã không còn hiện hữu một cách sống động. Nhưng ở đây là “bảo tàng sống” - nó cũng chính là góc nhìn của tôi về các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng của Hà Nội.

 

Hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống đã hiện hữu tại Hà Nội từ nhiều năm trước, bây giờ vẫn còn hiện hữu nhưng rất nhiều nghệ thuật đã có những thay đổi cơ bản. Chẳng hạn, ca trù xưa kia từng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Hà Nội, dành cho những người am tường chữ nghĩa thơ ca, là cuộc chơi nghệ thuật đầy thăng hoa về mặt cảm xúc khi mà những người chơi cũng chính là nghệ sĩ, tác giả và những người bạn tri âm. Khi tác giả thơ sáng tác được một bài thơ tâm đắc, sẽ gọi bạn thơ của mình để cùng chia sẻ và tìm đến giáo phường quen thuộc để nhờ các ca nương, kép đàn thông qua giai điệu nâng cánh lời thơ. Như vậy, muốn sáng tác được bài để giáo phường ca trù thể hiện được, nhà thơ đó phải am tường các thể cách của ca trù, trong mỗi thể cách lại phải nắm rõ bố cục, thể thơ... Cho nên, tác giả thơ trong ca trù, bên cạnh một nhà thơ còn có vị trí như một nhạc sĩ.

 

Hát xẩm cũng vậy, mỗi điệu xẩm có đặc trưng riêng, đòi hỏi người hát phải am tường cả thơ ca cũng như âm nhạc gắn liền với xẩm. Chỉ có khác, nếu như ca trù có tác giả thơ riêng thì với hát xẩm, thường các nghệ nhân trong nhóm sẽ đảm nhận luôn việc sáng tác lời ca hoặc khai thác thơ ca dân gian phù hợp vào để lồng điệu xẩm. Các nghệ nhân hát xẩm xưa kia trong một gánh hát đảm nhận nhiều vai trò: Ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công.

 

Tuy nhiên, các loại hình nghệ thuật đã có những thay đổi cơ bản. Ca trù, hát xẩm gần như đã không còn môi trường sinh hoạt tự nhiên mà chỉ tồn tại trong nỗ lực bảo vệ truyền thống của ngành Văn hóa và của một vài gia đình, cá nhân. Mạch nguồn sáng tạo tác phẩm mới dựa vào các nhà thơ kiêm vai trò nhạc sĩ giờ đã không còn sự nối tiếp trong ca trù; các nghệ nhân xẩm không còn tự sáng tác được những lời thơ phù hợp với giai điệu của xẩm... Những biến đổi này là một thực tế, song, thực tế đáng mừng là các nghệ thuật truyền thống đặc sắc này vẫn còn hiện hữu bền vững ở Hà Nội.

 

Khắp nơi bao quanh vùng nội đô Hà Nội, có rất nhiều đặc sản nghệ thuật truyền thống như hát chèo tàu (Đan Phượng), hát trống quân (Thanh Oai, Đan Phượng...), múa rối nước (Thạch Thất, Đông Anh...), hát ca trù ở Lỗ Khê (Đông Anh), Ngãi Cầu (Thanh Oai), hát văn ở rất nhiều đền, phủ... Qua thời gian, nhiều loại hình nghệ thuật đã có những mai một, nhưng với quan điểm về phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước nhiều năm qua cùng những nỗ lực của ngành Văn hóa và Thành phố Hà Nội nên hầu hết các di sản này vẫn còn hiện hữu, được cộng đồng trân quý.

 

Ct cánh như thế nào?

 

Với vị thế đặc biệt cùng những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, Hà Nội có sức quyến rũ khó cưỡng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Song, để xây dựng thành công công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Hà Nội, rất cần tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để phát huy giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống.

 

Trước khi thử tìm câu trả lời, chúng ta hãy nhìn sang các nước láng giềng. Gần Việt Nam về mặt địa lý, đồng thời có nhiều nét tương đồng với chúng ta có lẽ là Thái Lan. Từ 20 năm nay, đất nước này đã thúc đẩy phát triển nền công nghiệp văn hóa một cách mạnh mẽ. Họ lấy trọng tâm là giá trị văn hóa, trong đó có ẩm thực và đẩy mạnh chiến dịch quảng cáo trên toàn cầu, song song với đó là chiến lược đầu tư bài bản. Đến nay, doanh thu từ ngành chế biến thực phẩm của Thái Lan chiếm hơn 20% GDP của nước này và giá trị xuất khẩu thực phẩm đạt hơn 33 tỷ USD vào năm 2020.

 

Hàn Quốc lấy văn hóa đại chúng bao gồm âm nhạc, truyện tranh, phim điện ảnh, phim truyền hình, trò chơi trực tuyến và ẩm thực... làm trọng tâm để phát triển nền công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ, phủ sóng thế giới trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng Hàn Quốc (K-pop) là một đại thành công của xứ Kim chi. Thành công này góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Chỉ tính riêng năm 2017, K-pop có giá trị xuất siêu khoảng 5 tỷ USD.

 

Vậy tập trung phát triển mạnh ở khía cạnh nào thì Hà Nội sẽ cất cánh? Rất nhiều ý kiến cho rằng gần như chỉ có một con đường duy nhất, đó là phát triển mạnh về văn hóa gắn liền với du lịch và sản phẩm mang giá trị văn hóa truyền thống.

 

Trước hết, cần tạo nên những sản phẩm thực sự hấp dẫn. Những sản phẩm này phải tập trung trọng tâm là giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, mọi sản phẩm phát sinh đều có mối liên hệ mật thiết với yếu tố này. Muốn làm được điều đó, trước tiên cần có một triết lý cho cả một chiến lược, trong mỗi sản phẩm cụ thể lại có triết lý riêng và đều liên quan mật thiết với nhau.

 

Trong chiến lược phát triển đó, cần phát huy các giá trị văn hóa vật thể còn hiện hữu như các khu di tích lịch sử, các giá trị văn hóa tinh thần gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng và giải trí của người Hà Nội từ truyền thống đến hiện tại; Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống gắn liền với các di sản văn hóa tinh thần. Chẳng hạn như tái hiện cảnh sinh hoạt của một giáo phường ca trù nằm trong đúng không gian của một giáo phường ca trù xưa kia, hay tái hiện không gian của hội hát chèo tàu với những điểm nhấn độc đáo gắn liền với yếu tố tâm linh...

 

Đi liền với đó là văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam ở các làng quê có di tích hiện hữu, và đặc biệt là văn hóa ẩm thực Hà Nội. Đối với văn hóa ẩm thực Hà Nội, cần phát huy thế mạnh của những thương hiệu đã có sẵn như phở, các loại bún đặc trưng, chả nem, các loại bánh và đồ ăn vặt... Trong mỗi sản phẩm này, cần xây dựng một câu chuyện văn hóa. Khi người thưởng thức một di sản vật thể, một món ăn, một món quà, một giai điệu âm nhạc, một điệu múa, một tiết mục múa rối là được thưởng thức, được sống trong một không gian văn hóa của mảnh đất kinh kỳ hơn nghìn năm tuổi. Chắc chắn khi ấy, những sản phẩm cung cấp cho du khách không đơn thuần là một sản phẩm độc lập nữa và sức hấp dẫn của nó sẽ tăng rất nhiều.

 

Tất nhiên, để phát huy những sản phẩm văn hóa có giá trị thì phải có chiến lược đồng bộ và một chiến dịch quy mô, bài bản để quảng bá trên phạm vi toàn cầu. Tin chắc rằng, có di sản quý báu không trộn lẫn với bất cứ nơi đâu kết hợp với hướng đi đúng, có học hỏi kinh nghiệm từ các nước, có sự đầu tư, có quyết tâm đồng lòng thì những giá trị truyền thống hiện hữu ở Hà Nội sẽ tạo cho thành phố một sức bật mạnh mẽ.

 

Theo Hà Nội mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang